Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA QUỸ GIẢI THƯỞNG PHẠM THẬN DUẬT ĐÃ ĐƯỢC KHAI TRƯƠNG

Kính gửi Quý độc giả,
Trang Blog www.phamthanduat.blogspot.com ra đời đã được nửa năm. Trong thời gian trên có rất nhiều độc giả trong nước và ở nước ngoài (hơn 10 nước trên thế giới) đã ghé thăm trang blog này. Nhân danh Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả và xin thông báo với quý vị : Kể từ ngày 29.11.2009, nhân kỷ niệm lần thứ 124 ngày hy sinh của danh nhân Phạm Thận Duật và cũng là ngày lễ kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, 10 năm tổng kết hoạt động của Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật và lễ trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 10 tổ chức tại Bái Đường Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã công bố đổi tên là Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật để đáp ứng tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ mới do Quỹ đề ra. Và cũng trong ngày lễ trọng đại này, Quỹ đã cho khai trương một trang thông tin điện tử mới của Quỹ với địa chỉ http://www.giaithuongphamthanduat.vn đồng thời quyết định ngừng trang blog của Quỹ http://www.phamthanduat.blogspot.com kể từ ngày 25.12.2009.
Một lần nữa xin cảm ơn quý vị và mời quý vị ghé thăm www.giaithuongphamthanduat.vn.
Ks.PHẠM ĐÌNH NHÂN
Chủ tịch Quỹ Giảithưởng Phạm Thận Duật
Trưởng ban Chỉ đạo Trang thông tin điện tử

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

QUỸ GIẢI THƯỞNG PHẠM THẬN DUẬT TỔ CHỨC VÀ TÀI TRỢ CHƯƠNG TRÌNH KHÁM BỆNH PHÁT THUỐC PHÁT QUÀ

(TIN TỰC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ)

Lại một lần nữa, ngày 15.11.2009 Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật lại tổ chức và tài trợ cho Chương trình Khám bệnh, phát thuốc, phát quà cho đồng bào nghèo. Đây là lần thứ 3 trong 3 tháng liền, Quỹ đã phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng viên của Hội Tấm Lòng Nhân Ái để thực hiện chương trình từ thiện-xã hội giúp đồng bào nghèo ở nông thôn. Chương trình lần này đã tổ chức ở xã Liên Hoà, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Hội Tấm Lòng Nhân Ái đã huy động 32 bác sĩ, dược sĩ, điều dưõng viên để khám và kê đơn cho thuốc cho trên 406 người trong đó có 346 cụ già trên 75 tuổi của 6 thôn trong xã.

Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật đã huy động 14 Phật tử và thiện nguyện viên đến đảm nhiệm tổ chức và tài trợ khâu cấp thuốc miễn phí và phát tặng quà cho đồng bào nghèo. Giá trị tiền thuốc do Quỹ tài trợ lần này lên đến trên 9 triệu đồng gồm các loại thuốc kháng sinh, thuốc bệnh và mọi người đến khám đều có thuốc bổ. Quỹ đã phát tặng 346 cụ già, mỗi cụ một gói quà gồm một chiếc áo và bốn hộp sữa giá trị 60.000đ/xuất quà. Tổng giá trị quà lên đến gần 21 triệu đồng.

Đặc biệt lần này trong Chương trình khám bệnh, các bác sĩ đã mang theo hai máy siêu âm và đã tiến hành siêu âm cho gần 200 trường hợp. Chương trình khám bệnh có nhiều bàn khám nội, ngoại, và các bàn khám chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt và da liễu. Bàn khám mắt đã phát hiện trên 110 ca mắt cần phải mổ thay thuỷ tinh thể trong tổng số 346 cụ già đến khám.

Nhiều bà con khi nhận quà lại được các thiện nguyện viên của Quỹ tay đưa tặng quà, miệng nói lời cám ơn bà con, nên có cụ rất xúc động nói : “Chúng tôi phải cảm ơn các bác mới đúng chứ!”. Có một hình ảnh cảm động mà nhiếp ảnh trong đoàn đã ghi lại được khi có một bác sĩ đã bế một cụ già 92 tuổi đưa đến bàn khám để khám bệnh.

Vì số lượng người đến khám nhiều, nên chương trình đã diễn ra cả buổi sáng và buổi chiều. Tuy mệt, nhưng mọi người trong đoàn làm từ thiện đều rất vui vẻ hoan hỉ vì đã được góp sức làm từ thiện với tinh thần và phương châm do Quỹ đề ra là “Phục vụ và đem lại lợi ích cho người khác là hạnh phúc và phước báo cho bản thân” và “Những người được mình giúp đỡ chính là ân nhân của mình” bởi vì chính họ đã tạo điều kiện cho bản thân mình được làm việc thiện để tạo phước và tích phước cho đời sau.

Chương trình đã thành công tốt đep. Các vị đại diện Đảng, Chính quyền và Mặt trận của xã Liên Hoà đã đề nghị được chụp ảnh chung với đoàn làm từ thiện dưới tấm biểu ngữ căng trên tiền sảnh của ngôi trường, nơi tổ chức chương trình, với dòng chữ :
CHƯƠNG TRÌNH KHÁM BỆNH PHÁT THUỐC PHÁT QUÀ CHO
ĐỒNG BÀO NGHÈO VÀ GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH
Đơn vị tổ chức và tài trợ : Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật
Đơn vị thực hiện : Hội Tấm Lòng Nhân Ái

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

HỌ PHẠM NHÀN NGU VÀ PHẠM THẬN DUẬT VỚI TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA QUÊ NHÀ

NHÂN KỶ NIỆM LẦN THỨ 124 NGÀY MẤT DANH NHÂN PHẠM THẬN DUẬT
(29.11.1885 – 29.11.2009)


“Hiền tài là nguyên khí của Nhà nước”(1). Việc khơi dậy truyền thống hiếu học và sự dạy dỗ của gia đình, của dòng họ là một nhân tố quan trọng, nếu không nói là quyết định đối với sự nghiệp chăm lo đào tạo nhân tài.

Làng Yên Mô (nay là xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) nơi mà ông tổ Nhàn Ngu của dòng họ Phạm đến cư trú từ thế kỷ 15 là một vùng đất giàu văn hiến. Xưa kia vùng đất này nằm trên vụng biển Thần Phù nổi tiếng dữ dội và đã từng đi vào lịch sử với hai câu:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm

Làng Yên Mô có hòn núi đá Vọng Sơn, tục gọi là núi Bảng hay núi Dắng, một ngọn núi đá vôi ở phía cuối dãy Tam Điệp của dãy Trường Sơn và hai dòng sông Trinh, sông Càn bao bọc. Về mặt lịch sử, đây là mảnh ®Êt đau thương đã từng bị quân Mạc, quân Trịnh bừa đi bừa lại suốt nửa sau thế kỷ XVI. Đất Yên Mô này, trước có tên là Mô Độ, là nơi cư trú đầu tiên của những người định cư từ nhiều nơi đến gồm có nhiều họ như họ Phạm, họ Phan, họ Nguyễn, họ Ngô, họ Vũ, họ Mai, họ Lê, họ Đỗ, có lẽ trước cả khi Giản Định Đế nhà Hậu Trần năm 1407 lên ngôi ở đây chiêu mộ quân tướng chống đánh giặc Minh. Thời Minh thống trị đổi tên là Yên Mô và đất này ắt phải là mảnh đất văn hiến và trù phú hàng đầu mới có tên làng cũng trùng với tên tổng và tên huyện Yên Mô của tỉnh Ninh Bình.

Trên mảnh đất này, dòng họ Phạm Nhµn Ngu từ bao thế kỷ nay có số nhân khẩu trong họ thường chiếm trên nửa số cư dân trong làng nên được suy tôn là họ Đại Phạm. Các đời nối tiếp ®Òu có các bậc khoa cử và đến đời thứ 10 thì xuất hiện một danh nhân. Đó là Phạm Thận Duật một nhân vật lịch sử đã sinh ra cách đây 184 năm và mất cách đây 124 năm.N¨m 1995, nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cùng với Viện Sử học Việt Nam và Hội khoa hoc Lịch sử Việt Nam đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm dưới tiêu đề: “Phạm Thận Duật, nhà yêu nước, nhà văn hóa, người góp phần khởi động phong trào Cần vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX”.
Ông là biểu tượng cho truyền thống hiếu học ở quê tôi và là kết quả của một sự giáo dục nghiêm khắc trong gia đình và dòng họ Phạm.

MỘT VÙNG QUÊ GIÀU TINH THẦN HIẾU HỌC :

Xét về mặt lịch sử thì phải sau khi có con đê Hồng Đức (đắp năm 1475) thì đời sống cư dân nơi đây mới trù phú, phát triển cả về kinh tế và văn hóa. Chỉ riêng một làng Yên Mô vào thời Lê, khi đó còn bao gồm cả thôn Côi Trì (nay thuộc về xã Yên Mỹ) cũng đã có những nhà khoa bảng lớn như Hoàng giáp Ninh Địch (khoa Mậu Tuất 1718), Tiến sĩ Hội nguyên Thượng thư Ninh Tốn (khoa Mậu Tuất 1778). Sau này Côi Trì tách ra khỏi làng Yên Mô nhưng vẫn ở trong tổng Yên Mô, thời Nguyễn, có Phó bảng Nguyễn Tuyên, Cử nhân Nguyên Khôi. ë Phượng Trì làng dưới cùng thuộc tổng Yên Mô (nay cũng thuộc xã Yên Mạc) cũng có hương cống tức Cử nhân Phạm Bao thời Lê, thời Nguyễn có Cử nhân Vũ Phạm Khải và dòng họ Đại Phạm đất Yên Mô có Thượng thư Phạm Thận Duật, Hiệp biện Đại học sĩ, Cơ mật viện Đại thần.

Tấm bia Yên Mô sơn xuyên nhân vật bi ký do Phạm Thận Duật viết, đặt ở miếu thờ Thành hoàng làng năm 1870 nay không còn nữa, nhưng bài văn bia còn lưu lại được trong Quan Thành văn tập, một trong những tác phẩm của Phạm Thận Duật(1) là bài văn bia nói về sông núi và nhân vật đất Yên Mô, về những văn quan, võ quan đầu tiên của làng trong thời chúa Trịnh đánh nhà Mạc ở vùng này giữa thế kỷ 16, như Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc đồng tri Lê Các lão, như Hàn lâm triều liệt Đại phu Phạm Nguyên Lãng, Thập lý hầu Phạm Phúc Kỳ và Hậu Trai tiên sinh Vũ Bá Hoàn người đã từng thụ giáo trường Quốc Tử Giám năm ¢t Dậu 1765 thời Lê Cảnh Hưng là người có học vấn uyên thâm, nổi tiếng một thời ở đất này.

Ngoài ra còn có tấm bia Yên Mô lịch khoa hương tiên sinh ghi rõ tên họ, khoa thi của 56 vị trong làng đã trải qua các kỳ khoa bảng cho đến cuối đời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786). Tấm bia này mới tìm thấy được năm 1989, hiện đang dựng t¹i sân trường tiểu học Ph¹m ThËn DuËt xã Yên Mạc (tên của Yên Mô từ 1946). Ngôi trường này xây trên nền khu Văn Từ cũ, nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên nho hàng huyện. Tấm bia đó do chính Phạm Thận Duật viết, là bằng chứng, là di tích lịch sử văn hóa còn lại của đất Yên Mô nói đến nền văn hiến đất này.

Trong Quan Thành văn tập còn ghi lại toàn văn một số tấm bia đặt trong những đền, chùa, miếu mạo, đình làng của đất này. Những tấm bia “thần đàn”, “thần tích” đó phản ánh đời sống văn hóa tâm linh, không khí văn hiến, lòng hiếu học của nhân dân địa phương. Trong các nội dung văn bia còn để lại (tuy hầu hết các bia đá không còn nữa do chiến tranh tàn phá) cho biết : để khuyến khích sự học tập của con em, làng Yên Mô thuở ấy có định ra một tục lệ khuyến học là giành sáu mẫu ruộng học điền hàng năm lấy hoa lợi làm phần thưởng cho nho sinh nào học giỏi trong làng. Hàng năm làng tổ chức thi khảo, chọn ra những người học giỏi, xếp theo thứ bậc.

Yên Mô là một vùng quê trù mật, đồng xanh lúa tốt hai vụ chiêm mùa, trên dòng sông thuyền bè đi lại ngược xuôi, phố quê tấp nập. Và có biết bao đền chùa, miếu mạo, những ngôi đền khang trang, rộng rãi có thể chứa cả hai, ba lớp học mà thời đầu kháng chiến chống Pháp, trường Thành Chung Nam Định tức là trường trung học Nguyễn Khuyến đã tản cư về đây sử dụng. Èn dưới những cây cổ thụ xum xuê rợp bóng, những ngôi đền tĩnh lặng, sáng loáng những bức hoành phi, câu đối cùng những tấm bia đá dày đặc chữ Hán đứng trầm mặc, chứng kiến sự đổi thế xoay vần của lịch sử, chứng kiến truyền thống hiếu học của cư dân. Tất cả những công trình văn hóa ấy đã bị chiến tranh tàn phá, san phẳng cùng với tâm linh khát vọng học hành của dân làng. Nhưng tận cho đến ngày nay vẫn có người còn thuộc một số câu đối đặt ở Văn Từ nơi thâm nghiêm thờ phụng các bậc tiên nho mà bất cứ kẻ sĩ nào bước vào cũng phải lặng nhìn, lặng đọc.

Trong Quan Thành văn tập còn lưu lại được bài văn bia do Phạm Thận Duật viết và được khắc đá đặt ở Văn Từ khi hàng huyện trùng tu lần cuối vào năm 1867. Bài văn bia đó có tên là Bản huyện từ chí nêu rõ: Nơi đây trước kia chỉ là Văn chỉ hàng tổng mà sau này vì Yên Mô là đất đầu huyện nên chuyển thành Văn Từ của hàng huyện. Qua bài văn bia, người ta thấy người xưa làm Văn Từ không phải là chỉ để thờ phụng các bậc tiên nho mà chính còn là chốn tâm linh, là một công trình văn hóa để bảo tồn, duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của cư dân với khát vọng học để hành, tu rèn để nhập thế. Vì vậy, ta thấy ông có câu: “Việc thờ cúng thánh hiền quý ở việc làm. Cái học của thánh hiền, văn là ngũ kinh, hành là ngũ luân, điều này đã được ghi tường tận ở bia Văn Từ hàng phủ. Các vị trong hội ta nên tham khảo mà cố gắng làm theo”.

Tất cả những điều nói ở trên chỉ để khẳng định mảnh đất này, một vùng sơn thanh thủy tú đã từng có một không khí văn hiến, có cái truyền thống nối đời học đạo, góp phần hun đúc nên những phẩm chất, những nhân cách tốt đẹp của nhân tài.

Ngay trong dòng họ Phạm sinh ra Phạm Thận Duật thì bao đời trước đã có nhiều người đạt học vị sinh đồ (tức tú tài). Trong “Phạm tộc phổ ký” còn giữ lại được, có nêu nhiều tên tuổi các đời đỗ tường sinh hay sinh đồ đời Lê, tú tài đời Nguyễn. Các cụ tiên tổ họ Phạm bốn đời liền trước đời Phạm Thận Duật, từ người cha là cụ Kép Tuyển đỗ hai khoa tú tài tính trở lên đều là những bậc khoa cử, nhưng học vị đó dù là hai khoa tú tài cũng không đủ để bổ một chức quan trong ngạch bậc quan trường nên thường chỉ ở nhà làm thầy đồ dạy học cho con cháu được nhiều chữ, nuôi dưỡng lòng hiếu học cho con cháu vươn lên sau này.

Mãi đến thế kỷ thứ XIX, Phạm Thận Duật, người cháu đời thứ mười của dòng họ đại Phạm mới thừa hưởng được kết quả hun đúc từ bao đời. Ông sinh ra trong hoàn cảnh nghèo vì cha mất sớm khi mới lên chín, nhờ bà mẹ tần tảo quan năm với gánh hàng xén đi khắp các chợ ở vùng quê quanh đó để nuôi con ăn học.

Trong Vọng Sơn niên phổ, một trong những cuốn phả của dòng họ Phạm nói về cụ Tổ Vọng Sơn(1) có đoạn nói về ông: “Cơm mỗi ngày một bữa, mỗi bữa một bát, mỗi năm chỉ có một cái quần và một cái áo. Thế mà trong cảnh đói rét vẫn phấn khởi. Lúc lớn lên càng ham học quá. Muốn học mà không có tiền mua sách, phải đi mượn để chép mà học. Câu văn đoạn chữ coi quý như vàng, như ngọc. Học rất chăm chỉ: tối không có tiền mua dầu, phải đốt nén hương để soi mà học. Mỗi khi có việc đi đâu, vừa đi vừa học ôn các bài học trước, đi mỗi dặm đường học tới bốn, năm chục trang, thường khi đụng phải người ta mà cũng không biết”.

Trong các thầy học của ông, từ người thày khai tâm Vũ Phạm Khải dạy được bảy ngày thì lên đường vào Kinh nhậm chức, đến người cậu là thầy đồ Hòa Lạc Nguyễn Hữu Văn dạy ở trường làng, thầy đồ người làng là Phạm Tư Tề ngồi dạy học ở phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định và thày Lục Khê cư sĩ Phạm Đức Diệu ở Nộn Khê mà sau này trở thành nhạc phụ của ông, thì phải nói rằng Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, người làng Tam Đăng (Nam Định) một sĩ phu yêu nước nổi tiếng đất Sơn Nam là người thầy đã có nhiều công nhất dìu dắt dạy dỗ và hun đúc cho thư sinh Phạm Thận Duật trở nên người sau này đạt đến Nhất phẩm triều đình. Bởi lẽ ngay từ đầu, khi Lục Khê cư sĩ dẫn Phạm Thận Duật đến xin học, ông đã phát hiện ngay lòng hiếu học, tính nghiêm túc mẫn tiệp, cần cù khổ học của nho sinh họ Phạm nên không những chí tình dạy bảo mà còn nuôi dưỡng cho ăn học ở ngay trong nhà. Cái khí chất của người học trò ấy, năm năm sau đã biến thành cụ thể: Ông đỗ cử nhân trường Nam khoa Canh Tuất năm 1850, thứ 27, cuối bảng Giáp. Dù cuối bảng, nhưng cái ý chí quyết học hành nhập thế đã biểu lộ trong hai câu đối ứng tác của ông:

“Điên chi, đảo chi, quán quần anh chi thủ,
Chí hĩ, tận hĩ, cận thiên tử chi quang”.

Tạm dịch:
“Đưa lên, đảo xuống, sẽ đứng trên các bậc anh tài,
Cuối bảng, chí bền, sẽ kề bên ánh sáng Đức Vua”.

Cái khẩu khí ấy đã nghiệm đúng sau hơn 30 năm sĩ hoạn của một con người luôn luôn học hỏi để từ một cử nhân cuối bảng trở thành một ông quan “Đình thi độc quyển” chấm thi Hội, thi Đình để chọn lấy các bậc tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn.

CÔNG LAO DƯỠNG DỤC VUN ĐẮP NHÂN TÀI

Cũng phải nói rằng nếu chỉ có truyền thống hiếu học của quê hương đã tạo nên nhân tài thì không đủ. Sự dạy dỗ trong gia đình, dòng họ là hết sức quan trọng. Bởi lẽ trước tiên, không có một nhân tài nào mà không do công sinh đẻ và dạy dỗ của người mẹ từ khi mới lọt lòng.

Dưới những chuẩn mực giáo dục theo đạo ký làm người của người xưa, trên nền tảng Nho học thì sự giáo dục của gia đình lại càng là một nhân tố vô cùng quan trọng. Nhân tài xưa kia là kết quả của sự dạy dỗ trong gia đình của một người cha nghiêm nghị có khi còn khắc nghiệt đối với từng bước đi của con mình, là sự kết trái của tấm lòng bao dung thắm đượm tình mẫu tử của người mẹ dạy dỗ, vun đắp từ khi đứa con mình còn đang ẵm ngửa đến khi bước vào đời, vào con đường danh vọng và ngay cả lúc đã xênh xang áo mũ.

Nhân tài Phạm Thận Duật cũng vậy, ông cũng được hưởng một nền giáo dục gia phong, tôn tộc mà công lao dạy dỗ lại chính là người mẹ quanh năm đòn gánh trên vai đi khắp các chợ miền quê.

Trong Vọng Sơn niên phổ như đã nói ở trên có đoạn: “… Ông làm quan đến đây đã hơn 14 năm mà sự ăn ở của bản thân không khác lúc còn đi học. Cụ bà ở nhà vẫn buôn gánh hàng xén, đến sau mới có chút lương gửi về phụng dưỡng”. Cụ bà bảo ông: “Làm con mà có ăn ngon mặc tốt để phụng dưỡng cha mẹ thì thực là đáng quý. Nhưng làm cho dân nghèo đi để nhà mình giàu thì ta ghét lắm”. Có lần về quê thăm mẹ, sau những ngày mệt mỏi và đau yếu vì việc công, ông ở lại lâu như muốn lưu lại với mẹ già, không nỡ lòng xa mẹ, thì bà mẹ bảo: “Những điều dạy bảo của cha ngày trước là chữ trung và chữ hiếu. Trung với nước, tức là hiếu với nhà. Cứ quyến luyến với gia đình cũng không phải là hiếu đâu”. Ông nghiêm chỉnh nghe lời mẹ dạy, ra đi việc nước.

Sự dạy dỗ của bà mẹ về lòng liêm khiết, bằng chính gương lao động cần cù của bà ngay cả khi ông đã làm quan, đã giúp cho Phạm Thận Duật tăng thêm nhân cách cao đẹp của một vị quan thanh liêm. Cả cuộc đời ông vì nước vì dân, đến nỗi thường băn khoăn chưa nuôi nổi mẹ già. Và điều đó hình như ông đã có lần tâm sự với người học trò yêu của mình là chí sĩ Nguyễn Cao. Đến khi bà cụ mất, Nguyễn Cao có đôi câu đối viếng thân mẫu của thày mình, tạm dịch:

“Thầy tôi vẫn than phiền: Vất vả suốt đời chưa nuôi nổi mẹ.
Cụ cố nay lại mất: Nhìn dặm xa cách, nói sao hết tình”.

Xét về một khía cạnh nào đó, người mẹ, người cha trong nền giáo dục của ông cha ta chính lại là người thầy lớn trong suốt cuộc đời của người con, dù người con đó là một bậc hiền tài của đất nước. Sự dạy dỗ nghiêm khắc trong gia đình, trong dòng họ dựa vào truyền thống gia tộc để hiểu đạo lý làm người, đạo lý làm con, làm anh em, vợ chồng, làm trò, làm cha, làm quan phụ mẫu là cái cốt yếu, là nền tảng dựng nên nhân cách cao đẹp của con người, đưa con người lên tầm cao trong mối quan hệ sống và làm việc ở đời.

KHÍ THIÊNG SÔNG NÚI QUÊ TÔI

Trở lại vấn đề truyền thống hiếu học, có thể nói rằng mảnh đất quê hương nhiều đền chùa, miếu mạo, thờ cúng các bậc tiên nho, nhiều bia đá đầy chữ nghĩa thánh hiền và cũng nhiều sự chăm sóc đến dòng giống gia tộc nối chí cha ông đã hun đúc nên truyền thống hiếu học, nhắc nhở những người con đi theo sự nghiệp học hành, tu thân hành đạo mà Phạm Thận Duật là một tấm gương tiêu biểu ở quê tôi trong thế kỷ thứ XIX.
Ngày nay, dòng họ Đại Phạm cũng như các dòng họ khác ở quê tôi trải qua biết bao đổi thay của lịch sử đã ra đi sinh sống khắp nơi trong nước và ở cả nước ngoài. Song truyền thống hiếu học, khí thiêng sông núi của đất này cũng đã ban cho biết bao nhiêu nhà khoa bảng hiện đại. Các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ quê tôi ở khắp trong nước và ngoài nước. Còn các vị cử nhân, kỹ sư, các nhà giáo, những người có bằng đại học ở quê tôi có rất nhiều mà đến nay chưa thống kê hết được. Họ đang đem hết sức mình đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà. Nhà gi¸o, nhµ thơ Phạm Cúc chuyên viết về thiếu nhi cũng là một con cháu họ Phạm. Ông đã có nhiều tập thơ được in trong thời gian gần đây, cũng là một con người được thừa hưởng truyền thống hiếu học của quê hương.

Ở nước ngoài, con cháu họ Phạm đất Yên Mô không quên nghĩ về quê hương, về cội nguồn mà người tiêu biểu là họa sĩ nổi tiếng Phạm Tăng, người cháu năm đời của Phạm Thận Duật. Ông được giải nhất hội họa của tổ chức UNESCO (tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp quốc) ngay tại đất thánh của hội họa là La Mã với bức tranh “Vũ trụ”. Ông còn là một nhà thơ tài danh mà Nhà xuất bản Văn học vừa cho in tập thơ mang tên ông, một tập thơ có thể nói là tập thơ “Hướng về quê hương, hướng về cội nguồn” với những câu nghe da diết:

Có ai còn nhớ Yên Mô
Sông Càn, núi Bảng đến giờ còn không?

Khí thiêng sông núi quê tôi đã hun đúc nên truyền thống hiếu học và truyền thống hiếu học đã góp phần hun đúc rèn luyện nhân tài.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta đã qua biết bao triều đại của hơn bốn mươi thế kỷ. Nhưng bất kỳ ở thời đại nào đất nước ta cũng sản sinh những vị anh hùng, những bậc hiền tài. Những bậc hiền tài ấy là do từ những bà mẹ anh hùng sinh ra ở những mảnh đất có khí thiêng, có truyền thống.

Những danh nhân của đất nước ta bao giờ cũng được sự hun đúc bởi truyền thống quê hương, truyền thống hiếu học, bởi sự chăm lo dạy dỗ của những người làm cha mẹ trong gia đình, của những bậc ông bà chú bác trong dòng họ. Phạm Thận Duật, một người con lỗi lạc của dòng họ Phạm đất Yên Mô cũng không thoát ra khỏi nguyên lý ấy. Ông đã trở thành một nhà văn hóa với nhiều tác phẩm để lại cho đời sau, trở thành một Cố mệnh đại thần, một sĩ phu yêu nước. Cuối cùng ông còn là một nghĩa sĩ, người đã cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương, khởi dậy phong trào Cần vương khắp Trung Nam Bắc để rồi gửi tấm thân mình nơi biển cả trên đường bị thực dân Pháp đưa đi đày từ Côn Đảo tới đảo Tahiti.

Đã đến lúc cần phải dóng lên hồi chuông kêu gọi những con cháu lớp trẻ hãy nhìn lại cội nguồn, nhìn lại lịch sử, học những cái hay, cái đẹp của người xưa, giữ lấy những cốt cách, những truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước ông cha ta, của dòng họ để làm nên sự nghiệp. Bởi vì sự nghiệp của đất nước cũng là tập hợp sự nghiệp của con người, của nhân dân, của những dòng họ.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÃ VÀ ĐANG THỰC HIỆN CỦA QUỸ GIẢI THƯỞNG PHẠM THẬN DUẬT

(TIN HOẠT ĐỘNG NHÂN CHUẨN BỊ KỶ NIỆM 10 NĂM QUỸ GTSH PHẠM THẬN DUẬT)

1. Mười năm liền, bắt đầu từ năm 2000, Qũy Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã phối hợp cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức xét thưởng và trao 47 Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho các tiến sĩ sử học đã bảo vệ xuất sắc tại các Hôi đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước (từ 2000 đến nay).

2. Thông qua Hội Phụ nữ Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Quỹ đã tài trợ nuôi dưỡng cho 2 học sinh nghèo tàn tật trong nhiều năm liền (từ năm 2002)

3. Kết hợp với Hội đồng Thi đua và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình tổ chức trao Giải thưởng và học bổng cho các em học sinh đoạt Giải Nhất các môn học trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; Giải Nhất, Nhì, Ba các môn học trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia và các kỳ thi Olympic Quốc tế của các trường THPT và THCS trong huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, quê hương của danh nhân Phạm Thận Duật (năm 2003)

4. Thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao động của Báo Lao động, Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật gửi tặng quà gồm sách cho các thư viện tỉnh và vở học sinh cho các em học sinh nghèo ở các tỉnh bị bão lụt. (năm 2003) trị giá trên 100 triệu đồng.

5. Trao giải thưởng và học bổng cho các em học sinh giỏi đạt Huy chương vàng trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, và các học sinh xuất sắc của từng khối lớp của Trường Tiểu học Phạm Thận Duật, xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình (từ năm 2007)

6. Trao tặng sách thiếu nhi cho Thư viện Trường Tiểu học Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Hà Nội (2009)

7. Góp phần tài trợ cùng với Hội Sự nghiệp Từ Thiện Minh Đức xây dựng một ngôi nhà Hiền đức (nhà tình nghĩa) cho người nghèo và một cây cầu bê tông cho một xã thuôc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (2008-2009)

8. Phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng viên của Hội Tấm lòng Nhân ái, Quỹ đã tổ chức và tài trợ cho Chương trình Khám bệnh, phát thuốc và phát quà cho đồng bào nghèo và gia đình chính sách ở xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình, quê hương danh nhân Phạm Thận Duật (tháng 9.2009); ở xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương (tháng 10.2009) và góp phần tham gia tài trợ cho các Chương trình Khám bệnh, phát thuốc, phá quà cho đồng bào nghèo và các gia đình chính sách ở một số xã của các địa phương khác trong đó có Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên v.v....(trong các năm 2008-2009).

9. Tổ chức và tài trợ cho Chương trình Phát quà Trung thu cho các bệnh nhân ung thư ở Cơ sở 2 Bệnh viện K Hà Nội (tháng 9.2009)

10. Tổ chức Chương trình và góp phần tài trợ cho Chương trình cứu trợ đồng bào bị bão lụt ở hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị do cơn bão số 9 gây ra ở các tỉnh miền Trung.(tháng 10.2009)

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

CÁC TÁC PHẨM VIẾT VỀ PHẠM THẬN DUẬT ĐÃ XUẤT BẢN TỪ NĂM 1989 ĐẾN NAY

TƯ LIỆU DANH NHÂN

1. PHẠM THẬN DUẬT-CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM.
Tác phẩm do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền sưu tầm và biên soạn với sự tham gia dịch thuật của Hoàng Lê, Ngô Thế Long, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Hữu Tưởng và do Gs Nguyễn Hồng Phong, Viện trưởng Viện Sử học viết lời giới thiệu; Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1989.
Phạm Thận Duật-Cuộc đời và tác phẩm là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc, là tác phẩm mở đầu trong việc nghiên cứu và tìm hiểu nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật. Cuốn sách ra đời như một phát súng thần công nổ phát đầu tiên cho cả một trận tuyến nghiên cứu về Phạm Thận Duật nói riêng và các nhân vật lịch sử dưới triều Nguyễn nói chung. Sách chia làm 3 phần : Phần 1 nói về Bước đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Phạm Thận Duật. Phần 2 nói về các tác phẩm của danh nhân và Phần 3 là Phần phụ lục cung cấp thêm những tư liệu có liên quan đến danh nhân. Sách in khổ 13 x 19cm dày 436 trang in với số lượng 820 cuốn.

2. VỀ CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP PHẠM THẬN DUẬT.
Về con người và sự nghiệp Phạm Thận Duật là một tập hợp những bài viết, bài nói về danh nhân Phạm Thận Duật do Phạm Đình Nhân (bút danh Phạm Hưng An) và Nguyễn Quang Ân sưu tầm và biên soạn. Sách gồm 2 phần, phần đầu gồm 14 bài viết của các tác giả viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1993 và phần hai gồm các tư liệu như tập Vọng Sơn niên phả và Niên biểu về Phạm Thận Duật. Sách được in khổ 14,5 x 20,5cm, dày 128 trang do Phòng Tư liệu Viên Sử học ấn hành năm 1994.

3. PHẠM THẬN DUẬT-SỰ NGHIỆP VĂN HOÁ, SỨ MỆNH CẦN VƯƠNG.
Cuốn Phạm Thận Duật-Sự nghiệp văn hoá, sứ mệnh Cần Vương là cuốn kỷ yếu về đợt Lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật. Sách gồm các bài viết, bài phát biểu trong Lễ tưởng niệm danh nhân ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, Lễ Khánh thành Nhà bia tưởng niệm danh nhân và những tham luận tại Hội nghị khoa học về danh nhân tổ chức tại Ninh Bình, quê hương danh nhân. Sách gồm 3 phần : Phần 1 gồm những bài phát biểu tại các buổi lễ. Phần 2 gồm những tham luận gửi tới và đọc tại Hội nghị khoa học về danh nhân và Phần 3 là phần Phụ lục gồm một số bài đăng trên các báo chí nhân dịp lễ kỷ niệm và một số tư liệu bổ sung về phong trào Cần Vương cùng các tư liệu khác về Phạm Thận Duật.
Sách do Phạm Đình Nhân và Nguyễn Quang Ân sưu tầm và biên soạn, Gs.NGND Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu và do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1997 in khổ 14,5 x 20,5, dày 400 trang, số lượng in 500 cuốn.

4. SÓNG TRÀO NON BẢNG.
Sóng trào non Bảng là một tập truyện ký về danh nhân Phạm Thận Duật do nhà nghiên cứu văn hoá, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết. Gs.NGND Đinh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam viết lời giới thiệu, và được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2000, nhân Lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân. Tác giả Vũ Ngọc Khánh đã dựng lại toàn bộ cuộc đời Phạm Thận Duật từ thuở hàn vi nhà nghèo nhưng chịu khó cần cù học tập qua toàn bộ những năm tháng làm việc vì dân vì nước cho đến cái chết bi phẫn của ông trên biển cả dọc đường bị thực dân Pháp đưa đi đầy từ Côn Đảo tới đảo Tahiti. Sóng trào non Bảng in khổ 14,5 x 20,5cm, dày 204 trang, số lượng in 500 cuốn.

5. PHẠM THẬN DUẬT TOÀN TẬP.
Đây là một tập sách dày biên soạn công phu nhằm giới thiệu các tác phẩm bằng chữ Hán của Phạm Thận Duật gồm các cuốn Hưng Hoá ký lược, Hà đê tấu tập, Vãng sứ Thiên tân nhật ký và Quan Thành văn tập. Các tác phẩm này đều được dịch và có in kèm ở cuối sách nguyên văn bản chữ Hán được sao chụp.
Sách gồm 3 phần : Phần 1 giới thiệu Thân thế và sự nghiêp Phạm Thận Duật và niên biểu danh nhân. Phần 2 giới thiệu các tác phẩm của Phạm Thận Duật. Ở mỗi tác phẩm của danh nhân đều được giới thiệu bản dịch và một công trình nghiên cứu của các Giáo sư, nhà nghiên cứu nói về giá trị của các tác phẩm của danh nhân để lại. Phần thứ 3 có các bản sao chụp nguyên văn chữ Hán của các tác phẩm của danh nhân..
Sách do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn với sự cộng tác phần dịch thuật của Nguyễn Văn Huyền, Ngô Thế Long, Hoàng Lê, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Hữu Tưởng, Phạm Đức Duật. Sách còn có sự tham gia viết bài của các giáo sư và nhà nghiên cứu : Gs.Phan Văn Các, Gs.Trần Nghĩa và Ks.Phan Khánh nhằm đánh giá các giá trị của tác phẩm danh nhân để lại. Giáo sư Đình Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam viết lời giới thiệu
Sách được in nhân lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân, khổ 16 x 24cm, dày 840 trang, được in với số lượng 500 cuốn do Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin ấn hành năm 2000.

6. PHẠM THẬN DUẬT, MỘT NHÂN CÁCH LỚN.
Phạm Thận Duật, một nhân cách lớn là một công trình xuất bản nhân kỷ niệm 120 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật. Cuốn sách được tập hợp toàn bộ những bài phát biểu, những bài viết, bài nói và những công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá, của các giáo sư, tiến sĩ nói về Phạm Thận Duật qua các buổi lễ, hội thảo khoa học về danh nhân. Sách cũng có một phần dành riêng cho những bài viết về Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được thành lập từ năm 2000 để phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tặng Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cho các tiến sĩ sử học xuất sắc trong cả nước..
Sách gồm 4 phần. Phần 1 dành cho những công trình nghiên cứu về Phạm thận Duật từ năm 1989 đến 1995 gồm 18 bài viết. Phần 2 dành cho những công trình nghiên cứu về Phạm Thận Duật nhân lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất danh nhân (29.11.1885 – 29.11.1995) gồm 59 bài viết. Phần 3 dành cho những bài phát biểu và bài viết nhân lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân (29.11.1885 – 29.11.2000) gồm 11 bài. Phần 4 dành cho những bài viết về Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật gồm 16 bài. Tổng cộng sách có 84 bài viết trong khoảng thời gian từ 1989 đến 2004.
Sách do Gs Đinh Xuân Lâm và Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn với Lời giới thiệu của Gs. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Sách được in nhân lễ kỷ niệm 120 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật, do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2005, khổ 16 x 24cm, dày 508 trang, in với số lượng 500 cuốn.

7. MƯỜI NĂM, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG.
Đây là tập kỷ yếu biên soạn nhân Lễ kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, 10 năm thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và Lễ trao Giải thưởng Sử học lần thứ 10 (năm 2009) tổ chức đúng vào dịp Lễ kỷ niệm lần thứ 124 ngày mất của danh nhân. Sách gồm các bài viết giới thiệu về quá trình hình thành Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, các văn bản đi đến việc thành lập Quỹ và việc công bố Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, sách cũng giới thiệu Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Giải thưởng, giới thiệu Hội đồng Điều hành Quỹ, Hội đồng Xét thưởng Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, giới thiệu Bảng vàng danh dự 49 tiến sĩ sử học được nhận Giải thưởng trong 10 năm qua (2000-2009). Sách còn giới thiệu các bài viết của những người có trách nhiệm của Hội KHLS Việt Nam và của Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật về việc giới thiệu và đánh giá Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và cuối cùng là phần Phụ lục giới thiệu những tài liệu liên quan đến nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật cùng những hoạt động đã và đang thực hiên trong 10 năm qua của Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật
Sách có gần 70 bức ảnh màu, khổ 16 x 24, dày 114 trang, in 600 bản do Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật phát hành phục vụ lễ kỷ niệm

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

CÁC TÁC PHẨM CỦA PHẠM THẬN DUẬT ĐỂ LẠI CHO ĐỜI SAU

(TƯ LIỆU DANH NHÂN)
Trong suốt hơn 35 năm (1851 -1885) làm việc vì dân vì nước, Phạm Thận Duật đã để lại cho đời sau những tác phẩm sau :
1. HƯNG HOÁ KÝ LƯỢC :
Tác phẩm Hưng Hoá ký lược là một tập địa chí viết về tỉnh Hưng Hoá thời bấy giờ, tác phẩm được viết bằng chữ Hán (khoảng 42.000 chữ) vào năm Bính Thìn 1856, khi tác giả mới ngoài ba mươi tuổi, một năm sau khi ông nhận chức Tri châu Tuần Giáo.
Hưng Hóa là tên một đạo trong 13 đạo thừa tuyên lập ra từ niên hiệu Quang Thuận của vua Lê Thánh Tông, đến đầu thời Nguyễn (Minh Mệnh 12 tức năm 1831) là một tỉnh gồm 3 phủ, 5 huyện và 16 châu, với địa vực khá rộng, phía đông liền với huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao tỉnh Sơn Tây (lúc đó); phía tây tiếp giáp các huyện Kiến Thủy, Văn Sơn, phủ Khai Hoá nước Thanh (Trung Quốc) và các nước Nam Chưởng, Xa Lí; phía nam giáp huyện Trình Cố, châu Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá và huyện Lạc Yên, tỉnh Ninh Bình; phía bắc tiếp Châu Thu, tỉnh Tuyên Quang.
Sách Hưng Hóa ký lược gồm 12 mục, trình bày về các phương diện lịch sử, địa lí, kinh tế và văn hoá của tỉnh Hưng Hóa thời bấy giờ. Hiện nay thư viên Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hai bản sách Hưng Hoá ký lược. Bản có ký hiệu A.91, là bản chép tay khổ 15 x 29cm gồm 74 tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 25 chữ gồm 7 đề mục và bản có ký hiệu A.1429, cũng là sách chép tay khổ 15 x 27cm gồm 134 tờ, tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 29 chữ, có đủ 12 đề mục về địa chí Hưng Hoá. Ngoài ra tại thư viện Viên Sử học có một bản mang kí hiệu HV.205, bản mà nhà thư tịch học Trần Văn Giáp đã lược thuật trong tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm nổi tiếng của mình. Hưng Hoá ký lược (bản A. 1429 và A.91) đã được dịch giả Ngô Thế Long dịch và đã đăng trong Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000
2. HÀ ĐÊ TẤU TẬP:
Đó là những tác phẩm do Phạm Thận Duật viết dưới hình thức bản tấu trình lên Nhà Vua và triều đình trong thời gian ông làm quan ở Bắc Ninh và chủ yếu là trong thời gian ông nhậm chức Khâm sai Hà đê sứ, phụ trách trị thuỷ 6 tỉnh vùng Tả ngạn sông Hồng (1876 – 1878). Những tác phẩm về đê điều của Phạm Thận Duật gồm 49 bản tấu hiện nay còn lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nằm trong các tập Hà đê tấu tập, Hà đê tấu tư tập, Hà đê bộ văn tập và Điểu trần đê chính sự nghi tập. Trong những tập sách này, có tập viết chung với những người khác. Tuy nhiên có một số bản tấu khác của ông còn nằm rải rác ở một số nơi như trong Châu bản Triều Nguyễn...mà nay chưa tập hợp được.
Bản Hà đê tấu tập :
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.616, khổ 21 x 31 cm dày 398 trang, có 8 bản tấu.
3. HÀ ĐÊ TÁU TƯ TẬP :
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.619,khổ giấy 21 x 31cm, 199 tờ, có 9 bản tấu.
4. HÀ ĐÊ BỘ VĂN TẬP:
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu A.617, khổ 21 x 31cm, dày 318 trang có 1 bản tấu.
5. ĐIỀU TRẦN ĐÊ CHÍNH SỰ NGHI TẬP:
Có lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu VHv: 169/1-2 dày 300 trang, khổ 17 x 30cm, có 1 bản tấu
Tất cả 19 bản tấu ghi trong các sách kể trên đã được các dịch giả Phạm Văn Thắm, Hoàng Lê, Nguyễn Hữu Tưởng dịch chung trong Hà đê tấu tâp (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) được đưa vào trong Phạm Thận Duật toàn tập do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000
6.VÃNG SƯA THIÊN TÂN NHẬT KÝ :
Vãng sứ Thiên Tân nhật ký (Nhật ký đi sứ Thiên Tân) là một tác phẩm được Phạm Thận Duật viết vào năm 1883 trong khi ông lãnh nhiệm vụ Chánh sứ sang Thiên Tân (Trung Quốc). Hiện nay ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn hai bản chữ Hán có cùng một nội dung, cùng khổ giấy 20cm x 30cm, mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng 18 chữ đều là bản sao, nhưng có khác nhau đôi chút :
- Bản Vãng sứ Thiên Tân nhật ký có ký hiệu A1471, gồm 56 tờ, trong đó nội dung chính có 45 tờ, không có bản đồ. Hiện nay bản này đã được dịch in trong Phạm Thận Duật toàn tập do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
- Bản Kiến Phúc nguyên niên Như Thanh nhật trình, ký hiệu A.929 có 63 tờ. Nội dung chính có 52 tờ trong đó có 3 bản đồ sơ lược về Thiên Tân, Thượng Hải và Hương Cảng. Phần cuối còn có mục Trung triều định chế, ghi chép các định chế của triều Thanh, Trung Quốc.
Sách Vãng sứ Thiên tân nhật ký đã được dịch giả Phạm Văn Thắm dịch dựa theo bản A.1471 là chính (có đối chiếu với bản A.929) và đã được đưa vào sách Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
7. QUAN THÀNH VẮN TẬP :
Đây là tập thơ văn của Phạm Thận Duật, bao gồm cả thơ, (12 bài), văn (42 bài bao gồm cả văn, văn tế, văn bia, tấu, biểu...) và nhiều nhất là câu đối (110 câu đối). Các tác phẩm được viết rải rác trong suốt cuộc đời của ông từ khi 16 tuổi đến khi qua đời. Riêng bài thơ “Vịnh cái nồi đồng” có trong Vọng sơn niên phổ cũng được đưa vào bản dịch Quan Thành văn tập
Sách Quan Thành văn tập hiện còn lưu giữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.1095, dày 126 tờ khổ 15x26cm. Quan Thành văn tập đã được dịch trọn bộ đăng trong cuốn Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

QUỸ GIẢI THƯỞNG PHẠM THẬN DUẬT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHÁM BỆNH, PHÁT THUỐC, PHÁT QUÀ CHO ĐỒNG BÀO NGHÈO VÀ GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH

(Tin tức hoạt động)

Ngày 25.10.2009, tại xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật đã phối hợp với Hội Tấm Lòng Nhân Ái thực hiên Chương trình khám bệnh, phát thuốc, phát quà cho đồng bào nghèo và gia đình chính sách trong xã.
Trước đó, ngày 6.9.2009, Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật đã cùng với Hội Tấm Lòng Nhân Ái tổ chức Chương trình khám bệnh, phát thuốc, phát quà cho đồng bào nghèo và gia đình liệt sĩ ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, quê hương của danh nhân Phạm Thận Duât.

Để chuẩn bị cho Chương trình khám bệnh và phát thuốc, phát quà tại xã Quang Phục, Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật đã thông qua Đại đức Thích Từ Sơn, vị tăng trụ trì chùa Đống Duyên thuộc thôn Thái An xã Quang Phục để gặp gỡ với các vị đại diện Đảng uỷ và chính quyền xã làm việc và ấn định kế hoạch chi tiết cho Chương trình. Các vị lãnh đạo ở xã đã vui mừng đón nhận chương trinh và đã tạo điều kiện để Quỹ Phạm Thận Duật và Hội Tấm Lòng Nhân Ái tổ chức một đoàn 40 người gồm có các y bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên và các thiện nguyện viên là những Phật tử. Quỹ Phạm Thận Duật đã tài trợ cho chương trình này để khám và phát thuốc cho trên 350 đồng bào nghèo là các cụ cao tuổi, người bị bệnh mãn tính và các gia đình thuộc diện chính sách trong xã. Quỹ còn tặng quà cho 45 đồng bào nghèo và gia đình chính sách trong xã. Mỗi xuất quà bao gồm một chăn nỉ xuất khẩu, một màn tuyn và một áo phông với giá trị 150.000 đ/xuất.

Đúng 9 giờ sáng ông Phó Chủ tịch xã phát biểu trước đông đảo bà con trong xã và Đoàn từ thiện, cảm ơn Đoàn đã dành cho xã Quang Phục chương trình khám bệnh, phát thuốc, phát quà ngày hôm nay. Ông Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ Phạm Thận Duật, đơn vị tài trợ đã phát biểu trước bà con trong xã, nói lên niềm hạnh phúc của tất cả các thành viên trong Đoàn được đem tâm làm việc thiện với tinh thần coi những người được mình giúp đỡ là ân nhân của chính mình. Bác sĩ Trần Bảo Khánh phụ trách Hội Tấm Lòng Nhân Ái đã phổ biến quy trình khám bệnh cho bà con . Tất cả chỉ diễn ra trong 10 phút và sau đó chương trình được tiến hành ngay.

Tuy số lượng đồng bào nghèo đến khám bệnh đông hơn những chương trình trước, nhưng các bác sĩ, dược sĩ, thiện nguyện viên đã làm việc hết mình để chương trình diễn ra trọn vẹn, kịp khám cho tất cả số lượng bà con đã đến. Chương trình đã phải kéo đến 13 giờ 15 mới xong. Tuy bữa trưa phải ăn muộn hơn gần 2 tiếng đồng hồ song tất cả thành viên trong Đoàn đều rất vui mừng được phục vụ bà con nghèo với tâm nguyện được làm việc thiện. Đoàn được Nhà sư Thích Từ Sơn, trụ trì chùa Đống Duyên mời cơm chay thân mật. Thật là một ngày Chủ nhật được sống trong niềm hân hoan vì đã làm được việc tốt.

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ 10

(TIN TỨC HOẠT ĐỘNG)

Chiều ngày 17.10.2009, tại Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Xét Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã họp để xét chọn và xếp thứ hạng các Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 10 năm 2009. Những luận án Tiến sĩ sử học được gửi lên Hội đồng xét Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật là những luận án đã được bảo vệ với số điểm xuất sắc 7/7 và 6/7 tại các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước trong thời gian từ 1.10.1008 đến 30.09.2009.
Tham dự Hội đồng có đầy đủ 5 thành viên Hội đồng theo Quyết định số 10/QĐ/HSH ngày 15.10.2009 của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Hội đồng làm việc dưới sự chủ toạ của Gs, NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, Chủ tịch Hội đồng Xét giải. Các thành viên chính thức của Hội đồng gồm có : PGs, Ts Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng và các uỷ viên gồm Gs Lê Mậu Hãn; PGs, TSKH Nguyễn Hải Kế và PGs, Ts Lê Đình Sỹ. Tham dự Hội đồng còn có Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam; Ks Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật; Nhà báo Trịnh Thị Liên, Phó Chủ tịch Quỹ và Nhà sử học Hoàng Phương Trang, Chánh văn phòng Hội KHLS Việt Nam.
Sau khi trao đổi, xem xét và đánh giá các luận án tiến sĩ được đề cử năm nay, Hội đồng đã nhất trí bỏ phiếu lựa chọn các luận án tiến sĩ được giải thưởng sau đây :
Giải Nhất : Không có
Giải Nhì : 03 giải gồm :
1. Luận án “Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ XX” của Tiến sĩ TRẦN THIỆN THANH, Phó chủ nhiệm Khoa Sử, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
Cơ sở đào tạo : Khoa Sử, Đại học kHXH&NV Hà Nội
2. Luận án “ Hồ Chí Minh với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1946-1969)” của Tiến sĩ VĂN THỊ THANH MAI, Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Cơ sở đào tạo : Khoa Sử, Đại học KHXH&NV Hà Nội
3. Luận án “Các thủ phủ thời chúa Nguyễn (1558-1775) trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế” của Tiến sĩ PHAN THANH HẢI, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Cơ sở đào tạo Viện Sử học Việt Nam
Giải Ba : 02 giải gồm :
1. Luận án “Thành Tây Đô và vùng đất Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) từ cuối thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XIX” của Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THUÝ, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hoá.
Cơ sở đào tạo : Khoa Sử Đại học Sư phạm Hà Nội
2. Luận án “Đảng lãnh đạo sự nghiệp giáo dục đại học ở miền Bắc (1954-1975” của Tiến sĩ NGÔ VĂN HÀ, Phó Chủ nhiệm Khoa Mác-Lê Nin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Cơ sỏ đào tạo : Khoa Sử, Đại học KHXH&NV Hà Nội
Biên bản họp Hội đồng Xét thưởng Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã được các vị : Gs Đinh Xuân Lâm, Nsh Dương Trung Quốc và Ks Phạm Đình Nhân ký và lưu tại Hội KHLSVN và Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.
Như vậy qua 10 năm, Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã trao cho 49 Tiến sĩ sử học, trong đó có 2 giải Nhất (năm 2006 và 2008), 22 giải Nhì và 25 giải Ba. Và cũng trong 10 năm trao giải đã có 2 Tiến sĩ người nước ngoài được nhận giải (Lào và Hàn Quốc)
Lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật sẽ được tổ chức tạiVăn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 29.11.2009 nhân ngày giỗ lần thứ 124 của danh nhân Phạm Thận Duật và cũng nhân kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, 10 năm thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Ban Tổ chức Lễ đang chuẩn bị cuốn “Kỷ yếu 10 năm Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và 10 năm thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật” làm tài liệu cho buổi Lễ.
Sau Lễ Kỷ niệm và trao giải vào buổi sáng 29.11.2009, buổi chiều Câu lạc bộ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật sinh hoạt và ngày 30.11.2009, các Tiến sĩ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật có chuyến hành hương về thăm quê hương của danh nhân tại thôn Yên Mô thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÃ VÀ ĐANG THỰC HIỆN CỦA QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

(NHÂN KỶ NIỆM 10 NĂM GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT VÀ 10 NĂM THÀNH LẬP QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT)

1. Mười năm liền, Qũy đã phối hợp cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức xét thưởng và trao 44 Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho các tiến sĩ sử học đã bảo vệ xuất sắc tại các Hôi đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước (từ 2000 đến nay).
2. Thông qua Hội Phụ nữ Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Quỹ đã tài trợ nuôi dưỡng cho 2 học sinh nghèo tàn tật trong nhiều năm liền (từ năm 2002)
3. Kết hợp với Hội đồng Thi đua và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình tổ chức trao Giải thưởng và học bổng cho các em học sinh đoạt Giải Nhất các môn học trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; Giải Nhất, Nhì, Ba các môn học trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia và các kỳ thi Olympic Quốc tế của các trường THPT và THCS trong huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, quê hương của danh nhân Phạm Thận Duật (năm 2003)
4. Thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao động của Báo Lao động, Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật gửi tặng quà gồm sách cho các thư viện tỉnh và vở học sinh cho các em học sinh nghèo ở các tỉnh bị bão lụt. (năm 2003)
5. Trao giải thưởng và học bổng cho các em học sinh giỏi đạt Huy chương vàng trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, và các học sinh xuất sắc của từng khối lớp của Trường Tiểu học Phạm Thận Duật, xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình (từ năm 2007)
6. Trao tặng sách thiếu nhi cho Thư viện Trường Tiểu học Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Hà Nội (2009)
7. Góp phần tài trợ cùng với Hội Sự nghiệp Từ Thiện Minh Đức xây dựng một ngôi nhà Hiền đức (nhà tình nghĩa) cho người nghèo và một cây cầu bê tông cho một xã thuôc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (2008-2009)
8. Phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng viên của Hội Tấm lòng Nhân ái, Quỹ đã tổ chức và tài trợ cho Chương trình Khám bệnh, phát thuốc và phát quà cho đồng bào nghèo và gia đình liệt sĩ ở xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình, quê hương danh nhân Phạm Thận Duật (tháng 9.2009) và góp phần tham gia tài trợ cho các Chương trình Khám bệnh, phát thuốc, phá quà cho đồng bào nghèo và các gia đình chính sách ở một số xã của các địa phương khác trong đó có Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên v.v....(trong các năm 2008-2009).
9. Tổ chức và tài trợ cho Chương trình Phát quà Trung thu cho các bệnh nhân ung thư ở Cơ sở 2 Bệnh viện K Hà Nội (tháng 9.2009)
10. Tổ chức Chương trình và góp phần tài trợ cho Chương trình cứu trợ đồng bào bị bão lụt ở hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị do cơn bão số 9 gây ra ở các tỉnh miền Trung.(tháng 10.2009)

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

ĐẠO THẦY TRÒ CỦA PHẠM THẬN DUẬT QUA BÀI VĂN VIẾNG PHẠM NGHĨA TRAI TIÊN SINH

(TƯ LIỆU DANH NHÂN)
Trong văn hoá Phương Đông, nhất là trong Nho học, Khổng tử đã đặt vị trí người thầy dạy học rất cao. Nền giáo dục phong kiến xưa lấy “Tam cương, Ngũ thường”, làm phương châm chủ đạo cho đạo lý làm người. Trong 3 nhân vật Quân, Sư, Phụ, người thầy (Sư) đứng hàng thứ hai sau vua (Quân) và trên cả cha mẹ đẻ ra mình (Phụ). Bởi lẽ, chế độ giáo dục ngày xưa là chế độ giáo dục đào tạo ra con người có khí tiết, có đạo đức, có nhân cách, có tri thức xã hội. Vì vậy nền giáo dục ấy coi công ơn của người thày có công dậy dỗ và đào tạo kẻ học nên người lớn hơn cả công ơn cha mẹ có công sinh thành ra họ.
Phạm Thận Duật được học tập trong một nền giáo dục như thế. Ông đã qua nhiều thầy học. Bắt đầu là thầy Vũ Phạm Khải ở thôn bên, dạy ông khi ông lên 9 tuổi . Dạy được 7 ngày, Vũ Phạm Khải phải lên đường vào kinh nhậm chức thì Phạm Thận Duật đến học người cậu ruột là Nguyễn Hữu Văn. Sau đó theo học thầy đồ Phạm Tư Tề là người làng, ra Xuân Trường (Nam Định) mở trường dạy học. Sau bốn năm, ông quay về học Lục Khê cư sĩ Phạm Đức Diệu, người Nộn Khê cùng huyện Yên Mô, sau này trở thành nhạc phụ của ông. Lục Khê cư sĩ nhận thấy nhiều phẩm chất tốt đẹp ở người học trò nghèo này, nên đã đưa ụng đến nhờ người bạn thân là Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, người Nam Định khi ấy vừa cáo quan về quê mở trường day học, để dạy dỗ.
Phạm Văn Nghị, người làng Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1838 đã từng làm Tri phủ Lý Nhân, Biên tu Sử quán, rồi không thiết công danh, cáo bệnh từ quan về mở trường dạy học. Trường Tam Đăng lúc bấy giờ là một trung tâm giáo dục nổi tiếng ở vùng Nam Hạ. Học trò từ khắp mọi nơi nô nức tìm đến học. Cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh gia đình và yêu quý cậu học trò nhiều đức tính tốt, cho nên Phạm Văn Nghị không những chí tình dạy bảo mà còn nuôi dưỡng cho ăn học ở ngay trong nhà, đồng thời làm bầu bạn thân thiết với người con trai cả của thầy là Phạm Đăng Giảng.
Sau nhiều năm đèn sách ở trường Tam Đăng Phạm Văn Nghị, người học trò nghèo Phạm Thận Duật đã được ảnh hưởng sâu đậm ở thầy về trí tuệ và đạo đức, về khuynh hướng tư tưởng cũng như lẽ sống. Chính vì vậy, Phạm Thận Duật có ân tình sâu nặng với người thầy đã hết lòng dạy dỗ cho ông nên người, làm nên sự nghiệp. Đạo lý thánh hiền đã hun đúc nên một con người cho dù làm quan to trong triều,vẫn không quên nghĩa thầy trò. Nhất là đối với Phạm Văn Nghị, người thầy đã tạo dựng nên cuộc đời ông, ông coi như cha nuôi, cha đẻ tinh thần. Với vợ thầy, ông tôn làm mẹ đẻ, với con thầy ông coi như ruột thịt.
Năm 1875, khi Phạm Văn Nghị 70 tuổi được về hưu, Phạm Thận Duật cũng đã có bài mừng thầy Phạm Tam Đăng, trong đó có đoạn như sau : “…Thầy ta nhà nghèo ra làm quan, già vẫn kiên cường, chưa hề một ngày lãng quên triều đình, đất nước. Năm ngoái, giặc Pháp ngang ngược kéo đến, trận đánh ở Độc Bộ, một mình trơ trọi, không sao chống nổi. Thế mà thầy tỏ ra nghĩa khí sáng ngời, quân giặc khiếp sợ …”
Năm 1881, nghe tin Thầy Tam Đăng Phạm Văn Nghị mất, Phạm Thận Duật khi đó đang làm Thượng thư Bộ Hình được cử thay mặt toàn thể học sinh của Phạm Văn Nghị đang làm quan trong triều, làm bài văn viếng gửi về viếng thầy. Bài văn đó biểu lộ tấm lòng tôn sư trong đạo của những con người trọng nghĩa kính thầy. Bài văn viếng chứa chan tình cảm, nghẹn ngào xúc động. Nỗi day dứt của Phạm Thận Duật là vì công việc bận rộn, lệ định chặt chẽ, cho nên bản thân không thể trực tiếp hầu hạ tang lễ. Pháp công là trọng, niềm tây đành phải nén. Thầy mất mà không về chịu tang được, ông buồn về nỗi buồn không tròn đạo lý của mình . Ông viết: “Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể thờ thầy như cha”. Song ông còn đau nỗi đau mà ông than thở: “Đang lúc sông nước ngày một cạn xuống, phong hội ngày càng ngả chiều, đạo ta cùng với dị đoan tranh sáng tối, trời sao nỡ cướp tiên sinh đi vội!”.
Đoạn cuối bài văn viếng thầy Nghĩa Trai, Phạm Thận Duật đó phải thốt lên :”Tuy tiên sinh mất rồi, song cái điều không bao giờ mất là cái chí khí “hạo nhiên” vẫn cùng với non Côi, bể Nha , động Liên Hoa mãi mãi bất hủ. Người đời nay, người mai sau nghe thấy phong độ của tiên sinh ai mà chẳng kính mộ, ai mà chẳng noi theo, như thế thì tiên sinh chưa phải là mất, có gì phải đau thương? Than ôi! Học trò cũng như con, vậy mà thầy ốm chúng con chẳng được hầu thuốc, thầy mất chúng con chẳng có thư thăm hỏi, lúc chôn cất chúng con chẳng được tiếng khóc đưa. Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể coi thầy như cha. Đau xót thay, khóc mà viết”.
Đó là đoạn kết thống thiết bài văn viếng khi thầy mất của người học trò Phạm Thận Duật khi đang là Thượng thư Bộ Hình trong triều đình Tự Đức.
Bài văn viếng như sau :
VĂN VIẾNG PHẠM NGHĨA TRAI TIÊN SINH
(Nguyễn Văn Huyền dịch)
Tiên sinh Phạm Nghĩa Trai quy tiờn, hai tháng sau tin buồn vào đến Kinh, bọn học trò chúng con nghe thấy mà lòng đau xót.
Ôi! Bầu chính khí trong trời đất, ở người ta là “khí hạo nhiên”, chẳng vì sống mới tồn tại, chẳng vì chết mà mất đi, vậy thì có gì phải buồn thương?
Có điều, sự sống của tiên sinh rất hệ trọng cho thế đạo, vậy mà tiên sinh mất đi, lũ học trò chúng con sao mà không thổn thức khóc lóc?
Thương ôi! Khí thiêng của non Côi, bể Nha hội lại mà sinh ra tiên sinh. Tiên sinh đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất , làm quan chưa được mười năm, cáo bệnh về dạy học, người bốn phương cắp sách đến học kể có hàng nghìn. Quan Hữu tư dâng biểu tiến cử tiên sinh giữ chức Đốc học ở tỉnh . Gặp khi nước nhà lâm sự, tiên sinh khẳng khái lấy việc chống giặc làm trách nhiệm của mình. Dẫn quân vào Trà Sơn , đánh giặc ở Độc Bộ , chí tuy chưa đạt mà lời đồn đại về ông Phạm lẫm liệt không ai dám phạm. Nhà vua đã đăt bút khen rằng : “khi gặp việc có tinh thần phấn đấu”. Lại rằng: “Học hạnh tiết nghĩa, làm khuôn mẫu cho sĩ phu”. Khí tiết trung nghĩa của tiên sinh lúc bình sinh, trên chín bệ đã nghe thấy, trong thiên hạ đó truyền tụng, không phải là bọn học trò chúng con nói tốt lên đâu.
Đến khi việc nước tạm ổn, tiên sinh về động Liên Hoa , dưỡng lão ở Hồ Sơn, tuyệt nhiện không nói đến việc binh nữa, dường như quên hết thế sự, chí của tiờn sinh cũng thực là khổ vậy.
Thương ôi! Tiên sinh quyết chết cho điều trung từ lâu rồi , vì quyết chết cho điều trung cho nên trời lại cho thọ. Việc biên cương lại dâng biểu , cành quế họ Đậu thơm lừng, vinh hiển phũc trạch dồn cả vào một nhà. Đến như tuổi thọ của tiên sinh thật không thể lường được.
Trước đây, anh Cả được nguyên tập giữ chức Bố chính tỉnh Thanh, lúc ấy tiên sinh tròn 70 tuổi, anh Cả định xin phép về cùng anh Hai là Cử nhân Lạc Thiện và các em, dâng chén mừng thọ tiên sinh. Tiên sinh ngăn lại, dạy rằng: không nên, đã dấn thân vì nghĩa chung thì chớ nặng tình riêng, nhà ta cách tỉnh đường Thanh Hoá không xa, khi nào thư thả về thăm ta không muộn.
Mùa xuân năm ngoái, anh Ba , anh Năm vừa đỗ cử nhân, vào triều thi Hội, tiên sinh đi cùng với các anh, đột nhiên bị ốm. Anh Cả cùng với hai anh Cử đưa tiên sinh về nhà, từ đó tiên sinh cứ thiêm thiếp trên giường bệnh, rồi đột nhiên đi hẳn. Ai ngờ chuyện đi chơi tỉnh Thanh này lại là kỳ vĩnh biệt.
Tuy tiên sinh mất rồi, song cái điều không bao giờ mất là cái chí khí “hạo nhiên” vẫn cùng với non Côi, bể Nha, động Liên Hoa mãi mãi bất hủ. Người đời nay, người mai sau nghe thấy phong độ của tiên sinh ai mà chẳng kính mộ, ai mà chẳng noi theo, như thế thì tiên sinh chưa phải là mất, có gì phải đau thương?
Than ôi! Học trò cũng như con, vậy mà thầy ốm chúng con chẳng được hầu thuốc, thầy mất chúng con chẳng có thư thăm hỏi,lúc chôn cất chúng con chẳng được tiếng khóc đưa. Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể coi thầy như cha. Đau xót thay, khóc mà viết.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

BÀI THƠ NÔM DUY NHẤT CỦA PHẠM THẬN DUẬT

Trong Quan Thành văn tập, tập thơ văn của Phạm Thận Duật để lại cho đời sau chỉ có 12 bài thơ chữ Hán, còn lại là các loại văn như văn tế, văn bia, biểu, tấu nhưng thế mạnh nhất của ông là câu đối (110 câu đối). Nhưng trong Vọng Sơn niên phả (cuốn phả nói về cuộc đời Phạm Thận Duật) có để lại bài thơ nôm duy nhất của ông (sau này trong bản dịch Quan Thành văn tập có đưa thêm vào)
Bài thơ nôm duy nhất đó là bài Vịnh cái nồi đồng. Đó là một bài thơ “ngôn chí” mượn ngoại vật để nói nội tâm. Bài thơ như sau :
Ngoài sao cạnh góc cũng như trong,
Ai tạo ra ngươi có ý không?
Mấy chước điều canh cùng một dạ,
Nhiều phen đổ nước chẳng hai lòng.
Lửa hun không đỏ tin rằng rắn,
Khói ám sao xanh ngỡ có rồng.
Lem luốc mấy phen đành chịu vậy,
Một mai đánh nữa lại nên đồng.
Nhà thơ Trần Lê Văn khi còn sinh thời đã nói về thơ văn Phạm Thận Duật như sau :
“Phạm Thận Duật là một sĩ phu yêu nước có tầm vóc trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nổi nhất là lĩnh vực văn hóa. Riêng về thơ, những thi phẩm còn lại cũng mang một phong cách riêng, một dấu ấn riêng. Đó là phong cách của một nhà nho nhập thế, dấn thân vào việc nước, việc đời, với ý thức canh cánh bên lòng lo sao làm tròn phận sự. Thơ ông không có khí vị siêu thoát của Lão Trang mà có ý tình phác thực của một môn đồ Khổng Mạnh.
Bài thơ nôm duy nhất còn lại của ông nhan đề là Vịnh cái nồi đồng có những câu then chốt :
Mấy chước điều canh cùng một dạ,
Nhiều phen đổ nước chẳng hai lòng.
Và : Lem luốc mấy phen đành chịu vậy,
Một mai đánh nữa lại nên đồng.
Mượn điển cố “điều canh” trong văn liệu xưa với nghĩa đen là người lo nội trợ tra mắm muối vào nồi canh sao cho vừa phải và nghĩa bóng là quan tể tưởng điều hành việc nước sao cho đúng đắn, nhà thơ họ Phạm nêu một nguyên tắc cơ bản của những người mang trọng trách với đất nước cũng giống như việc “điều canh”, không thể tùy tiện.
Đọc câu “....Đổ nước chẳng hai lòng”, chúng ta đều thấy rõ ngụ ý nhắc nhở sự nhất tâm trung thành với đât nước.
Tác giả cũng bộc lộ một chút ai cảm về những nỗi gian nan trong cảnh ngộ mà bản thân mình đã trải qua “Lem luốc mấy phen....” và khẳng định phẩm chất của mình trước sau đồng vẫn là đồng....”

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

CÁC TÁC PHẨM CỦA PHẠM THẬN DUẬT ĐỂ LẠI CHO ĐỜI SAU

TƯ LIỆU DANH NHÂN


Trong suốt hơn 35 năm (1851 -1885) làm việc vì dân vì nước, Phạm Thận Duật đã để lại cho đời sau những tác phẩm sau đây :

1.HƯNG HOÁ KÝ LƯỢC.

Tác phẩm Hưng Hoá ký lược là một tập địa chí viết về tỉnh Hưng Hoá thời bấy giờ, tác phẩm được viết bằng chữ Hán (khoảng 42.000 chữ) vào năm Bính Thìn 1856, khi tác giả mới ngoài ba mươi tuổi, một năm sau khi ông nhận chức Tri châu Tuần Giáo.
Hưng Hóa là tên một đạo trong 13 đạo thừa tuyên lập ra từ niên hiệu Quang Thuận của vua Lê Thánh Tông, đến đầu thời Nguyễn (Minh Mệnh 12 tức năm 1831) là một tỉnh gồm 3 phủ, 5 huyện và 16 châu, với địa vực khá rộng, phía đông liền với huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao tỉnh Sơn Tây (lúc đó); phía tây tiếp giáp các huyện Kiến Thủy, Văn Sơn, phủ Khai Hoá nước Thanh (Trung Quốc) và các nước Nam Chưởng, Xa Lí; phía nam giáp huyện Trình Cố, châu Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá và huyện Lạc Yên, tỉnh Ninh Bình; phía bắc tiếp Châu Thu, tỉnh Tuyên Quang.
Sách Hưng Hóa ký lược gồm 12 mục, trình bày các phương diện lịch sử, địa lí, kinh tế và văn hoá của tỉnh Hưng Hóa thời bấy giờ. Hiện nay thư viên Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hai bản sách Hưng Hoá ký lược. Bản có ký hiệu A.91, là bản chép tay khổ 15 x 29cm gồm 74 tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 25 chữ gồm 7 để mục và bản có ký hiệu A.1429, cũng là sách chép tay khổ 15 x 27cm gồm 134 tờ, tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 29 chữ, có đủ 12 đề mục về địa chí Hưng Hoá. Ngoài ra tại thư viện Viên Sử học có một bản mang kí hiệu HV.205, bản mà nhà thư tịch học Trần Văn Giáp đã lược thuật trong tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm nổi tiếng của mình. Hưng Hoá Ký lược (bản A. 1429 và A.91) đã được dịch giả Ngô Thế Long dịch và đã đăng trong Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000.

2. HÀ ĐÊ TẤU TẬP:

Đó là những tác phẩm do Phạm Thận Duật viết dưới hình thức bản tấu trình lên Nhà Vua và triều đình trong thời gian ông làm quan ở Bắc Ninh và chủ yếu là trong thời gian ông nhậm chức Khâm sai Hà đê sứ, phụ trách trị thuỷ 6 tỉnh vùng Tả ngạn sông Hồng (1876 – 1878). Những tác phẩm về đê điều của Phạm Thận Duật gồm 49 bản tấu hiện nay còn lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nằm trong các tập Hà đê tấu tập Hà đê tấu tư tập, Hà đê bộ văn tập và điểu trần đê chính sự nghi tập. Trong những tập sách này, có tập viết chung với những người khác. Tuy nhiên có một số bản tấu khác của ông còn nằm rải rác ở một số nơi như trong Châu bản Triều Nguyễn...mà nay chưa tập hợp được.
Bản Hà đê tấu tập lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.616, khổ 21 x 31 cm dày 398 trang, có 8 bản tấu.

3. HÀ ĐÊ TẤU TƯ TẬP :

Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.619,khổ giấy 21 x 31cm, 199 tờ, có 9 bản tấu.

4. HÀ ĐÊ BỘ VĂN TẬP :

Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu A.617, khổ 21 x 31cm, dày 318trang có 1 bản tấu.

5. ĐIỀU TRẦN ĐÊ CHÍNH SỰ NGHI TẬP :

Có lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu VHv: 169/1-2 dày 300 trang, khổ 17 x 30cm, có 1 bản tấu
Tất cả 19 bản tấu ghi trong các sách kể trên đã được các dịch giả Phạm Văn Thắm, Hoàng Lê, Nguyễn Hữu Tưởng dịch chung trong Hà đê tấu tâp (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) được đưa vào trong Phạm Thận Duật toàn tập do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.

6.VÃNG SỨ THIÊN TÂN NHẬT KÝ.

Vãng sứ Thiên Tân nhật ký (Nhật ký đi sứ Thiên Tân) là một tác phẩm được Phạm Thận Duật viết vào năm 1883 trong khi ông lãnh nhiệm vụ Chánh sứ sang Thiên Tân (Trung Quốc). Hiện nay ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn hai bản chữ Hán có cùng một nội dung, cùng khổ giấy 20cm x 30cm, mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng 18 chữ đều là bản sao, nhưng có khác nhau đôi chút :
- Bản Vãng sứ Thiên Tân nhật ký có ký hiệu A1471, gồm 56 tờ, trong đó nội dung chính có 45 tờ, không có bản đồ. Hiện nay bản này đã được dịch in trong Phạm Thận Duật toàn tập do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
- Bản Kiến Phúc nguyên niên Như Thanh nhật trình, ký hiệu A.929 có 63 tờ. Nội dung chính có 52 tờ trong đó có 3 bản đồ sơ lược về Thiên Tân, Thượng Hải và Hương Cảng. Phần cuối còn có mục Trung triều đinh chế, ghi chép các định chế của triều Thanh, Trung Quốc.
Sách Vãng sứ Thiên tân nhật ký đã được dịch giả Phạm Văn Thắm dịch dựa theo bản A.1471 là chính (có đối chiếu với bản A.929) và đã được đưa vào sách Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.

7. QUAN THÀNH VĂN TẬP :

Đây là tập thơ văn của Phạm Thận Duật, bao gồm cả thơ, (12 bài), văn (42 bài bao gồm cả văn, văn tế, văn bia, tấu, biểu...) và nhiều nhất là câu đối (110 câu đối). Các tác phẩm được viết rải rác trong suốt cuộc đời của ông từ khi 16 tuổi (bài thơ Vịnh cái nồi đồng) đến khi qua đời.
Sách Quan Thành văn tập hiện còn lưu giữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.1095, dày 126 tờ khổ 15x26cm. Quan Thành văn tập đã được dịch trọn bộ đăng trong cuốn Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Tư liệu danh nhân

CÁC TÁC PHẨM VỀ PHẠM THẬN DUẬT
ĐÃ ĐƯỢC XUẤT BẢN

1. Phạm Thận Duật - Cuộc đời và tác phẩm.
Tác phẩm do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền sưu tầm và biên soạn với sự tham gia dịch thuật của Hoàng Lê, Ngô Thế Long, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Hữu Tưởng và do Gs Nguyễn Hồng Phong, Viện trưởng Viện Sử học viết lời giới thiệu; Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1989.
Phạm Thận Duật-Cuộc đời và tác phẩm là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc, là tác phẩm mở đầu trong việc nghiên cứu và tìm hiểu nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật. Cuốn sách ra đời như một phát súng thần công nổ phát đầu tiên cho cả một trận tuyến nghiên cứu về Phạm Thận Duật nói riêng và các nhân vật lịch sử dưới triều Nguyễn nói chung. Sách chia làm 3 phần : Phần 1 nói về Bước đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Phạm Thận Duật, phần 2 nói về các tác phẩm của danh nhân và phần 3 là phần phụ lục cung cấp thêm những tư liệu có liên quan đến danh nhân.
Sách in khổ 13 x 19cm dày 436 trang in với số lượng 820 cuốn.
2. Về con người và sự nghiệp Phạm Thận Duật.
Về con người và sự nghiệp Phạm Thận Duật là một tập hợp những bài viết, bài nói về danh nhân Phạm Thận Duật do Phạm Đình Nhân (bút danh Phạm Hưng An) và Nguyễn Quang Ân sưu tầm và biên soạn. Sách gồm 2 phần, phần đầu gồm 14 bài viết của các tác giả viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1993 và phần hai gồm các tư liệu như tập Vọng Sơn niên phả và Niên biểu về Phạm Thận Duật. Sách được in khổ 14,5 x 20,5cm, dày 128 trang do Phòng Tư liệu Viên Sử học ấn hành năm 1994.
3. Phạm Thận Duật-Sự nghiệp văn hoá, sứ mệnh Cần vương.
Cuốn Phạm Thận Duật-Sự nghiệp văn hoá, sứ mệnh Cần Vương là cuốn kỷ yếu về đợt Lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật. Sách gồm các bài viết, bài phát biểu trong Lễ tưởng niệm danh nhân ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, Lễ Khánh thành Nhà bia tưởng niệm danh nhân và những tham luận tại Hội nghị khoa học về danh nhân tổ chức tại Ninh Bình, quê hương danh nhân. Sách gồm 3 phần : Phần 1 gồm những bài phát biểu tại các buổi lễ. Phần 2 gồm những tham luận gửi tới và đọc tại Hội nghị khoa học về danh nhân và Phần 3 là phần Phụ lục gồm một số bài đăng trên các báo chí nhân dịp lễ kỷ niệm và một số tư liệu bổ sung về phong trào Cần Vương cùng các tư liệu khác về Phạm Thận Duật.
Sách do Phạm Đình Nhân và Nguyễn Quang Ân sưu tầm và biên soạn, Gs,NGND Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu và do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1997 in khổ 14,5 x 20,5, dày 400 trang, số lượng in 500 cuốn.
4. Sóng trào non Bảng.
Sóng trào non Bảng là một tập truyện ký về danh nhân Phạm Thận Duật do nhà nghiên cứu văn hoá, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết; Gs.NGND Đinh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam viết lời giới thiệu và được Nhà xuất bản Văn họcẵuats bản năm 2000, nhân Lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân. Tác giả Vũ Ngọc Khánh đã dựng lại toàn bộ cuộc đời Phạm Thận Duật từ thuở hàn vi nhà nghèo nhưng chịu khó cần cù học tập qua toàn bộ những năm tháng làm việc vì dân vì nước cho đến cái chết bi phẫn của ông trên biển cả trên đường bị thực dân Pháp đưa đi đầy từ Côn Đảo tới đảo Tahiti.
Lời kết của cuốn truyện ký là một áng văn hùng hồn và cảm thông sâu sắc với một con người đã suốt đời hiến thân mình cho non sông đất nước.
Sóng trào non Bảng in khổ 14,5 x 20,5cm, dày 204 trang, số lượng in 500 cuốn.
5. Phạm Thận Duật toàn tập.
Đây là một tập sách dày biên soạn công phu nhằm giới thiệu các tác phẩm bằng chữ Hán của Phạm Thận Duật gồm các cuốn Hưng Hoá ký lược, Hà đê tấu tập, Vãng sứ Thiên tân nhật ký và Quan Thành văn tập. Các tác phẩm này đều được dịch và có in kèm ở cuối sách nguyên văn bản chữ Hán được sao chụp.
Sách gồm 3 phần : Phần 1 giới thiệu Thân thế và sự nghiêp Phạm Thận Duật và niên biểu danh nhân. Phần 2 giới thiệu các tác phẩm của Phạm Thận Duật. Ở mỗi tác phẩm của danh nhân đều được giới thiệu bản dịch và một công trình nghiên cứu của các Giáo sư, nhà nghiên cứu nói về giá trị của các tác phẩm của danh nhân để lại. Phần thứ 3 có các bản sao chụp nguyên văn chữ Hán của các tác phẩm của danh nhân..
Sách do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn với sự cộng tác phần dịch thuật của Nguyễn Văn Huyền, Ngô Thế Long, Hoàng Lê, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Hữu Tưởng, Phạm Đức Duật. Sách còn có sự tham gia viết bài của các giáo sư và nhà nghiên cứu : Gs.Phan Văn Các, Gs.Trần Nghĩa và Ks.Phan Khánh nhằm đánh giá các giá trị của tác phẩm danh nhân để lại. Giáo sư Đình Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam viết lời giới thiệu
Sách được in nhân lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân, khổ 16 x 24cm, dày 840 trang, được in với số lượng 500 cuốn do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
6. Phạm Thận Duật, một nhân cách lớn.
Phạm Thận Duật, một nhân cách lớn là một công trình xuất bản nhân kỷ niệm 120 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật. Cuốn sách được tập hợp toàn bộ những bài phát biểu, những bài viết, bài nói và những công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá, của các giáo sư, tiến sĩ nói về Phạm Thận Duật qua các buổi lễ, hội thảo khoa học về danh nhân. Sách cũng có một phần dành riêng cho những bài viết về Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được thành lập từ năm 2000 để phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tặng Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cho các tiến sĩ sử học xuất sắc trong cả nước..
Sách gồm 4 phần. Phần 1 dành cho những công trình nghiên cứu về Phạm thận Duật từ năm 1989 đến 1995 gồm 18 bài viết. Phần 2 dành cho những công trình nghiên cứu về Phạm Thận Duật nhân lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất danh nhân (29.11.1885 – 29.11.1995) gồm 59 bài viết. Phần 3 dành cho những bài phát biểu và bài viết nhân lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân (29.11.1885 – 29.11.2000) gồm 11 bài. Phần 4 dành cho những bài viết về Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật gôm 16 bài. Tổng cộng sách có 84 bài viết trong khoảng thời gian từ 1989 đến 2004.
Sách do Gs Đinh Xuân Lâm và Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn với Lời giới thiệu của Gs. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Sách được in nhân lễ kỷ niệm 120 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật, do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2005, khổ 16 x 24cm, dày 508 trang, in với số lượng 500 cuốn.

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

TIN TỨC HOẠT ĐỘNG

CHUẨN BỊ CHO LỄ KỶ NIỆM 10 NĂM GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

Năm nay Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật bước sang năm thứ 10 cùng với 10 năm hoạt động của Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật. Ngày 29.11.2009 sắp tới sẽ là dịp kỷ niệm kỷ niệm 10 năm Giải thưởng cùng với lễ tưởng niệm nhân 124 năm ngày mất của danh nhân và lễ trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 10.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã có cuộc họp liên tịch bàn về chương trình lễ kỷ niệm năm nay. Dự cuộc họp về phía Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có các vị : Gs, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam; Gs.NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Xét thưởng Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam; Nhà sử học Hoàng Phương Trang, Chánh văn phòng Hội KHLS Việt Nam. Về phía Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật có các vị : Ks. Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ và Nhà báo Trịnh Thị Liên, Phó chủ tịch Quỹ.
Cuộc họp đã bàn thống nhất chương trình và nội dung buổi lễ ngày 29.11.2009 năm nay tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám gồm các lễ : Lễ dâng hương tưởng niệm các bậc tiên hiền và danh nhân Phạm Thận Duât, Lễ kỷ niệm 10 năm Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật và 10 năm thành lập Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, Lễ trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 10-năm 2009.
Ngoài các quan khách, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá, giới sử học và bà con họ Phạm, Ban Tổ chức có kế hoạch mời toàn bộ 44 tiến sĩ sử học đã được trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật những năm trước về dự lễ và dự kiến buổi chiều 29.11 sau buổi lễ, chương trình dành cho các tiến sĩ giải thưởng sử học Phạm Thận Duật sinh hoạt chung trong khuôn khổ Câu lạc bộ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duât. Ngày 30.11 có chương trình tổ chức một cuộc hành hương về thăm quê hương danh nhân và dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm danh nhân ở thôn Yên Mô thượng, xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình. Chương trình Lễ năm nay còn phát hành cuốn Kỷ yếu 10 năm Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, nhằm giới thiệu những vấn đề liên quan đến Giải thưởng và giới thiệu toàn bộ các gương mặt của các tiến sĩ đã được trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật trong 10 năm qua. Tạp chí Xưa&Nay sẽ dành một số trang nói về Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật trong dịp kỷ niệm này.

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

BÁO CHÍ VIẾT VỀ QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

TẠP CHÍ HUẾ XƯA & NAY :
PHẠM THẬN DUẬT
VÀ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC MANG TÊN ÔNG(*)
Phạm Thận Duật (1825-1885) hiệu là Vọng Sơn, tên chữ là Quan Thành, người làng Yên Mô thượng, xã Yên Mạc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, vốn là học trò của các cụ Vũ Phạm Khải, Phạm Văn Nghị. Ông nổi tiếng là người chịu khó học tập, đỗ Cử nhân trường Nam Định năm 1850 và ra làm quan.
Từ năm 1851, buổi đầu hoạn lộ, theo chính sách lưu quan của triều đình nhà Nguyễn, ông được cử làm Giáo thụ phủ Đoan Hùng, năm 1855 được thăng làm Tri châu Tuần Giáo. Từ năm 1857, ông có quãng đời 20 năm liền làm quan ở tỉnh Bắc Ninh từ chức Tri huyện Quế Dương cho đến Bang biện tỉnh vụ kiêm Đồn điền sứ, án sát, Bố chính, Tuần phủ. ở xứ Bắc, tuy chưa phải trực tiếp đương đầu với thực dân Pháp, song từ một quan văn, ông đã phải kiêm làm tướng võ, bao quát mọi mặt từ chính trị đến kinh tế, từ luật pháp đến quân sự. Năm 1876, ông được điều về kinh thành Huế làm Tả Tham tri Bộ Lại kiêm Phó Đô ngự sử, rồi trở ra Bắc làm Khâm sai Hà đê sứ phụ trách trị thủy sáu tỉnh tả ngạn sông Hồng. Cuối năm 1878, ông trở về Kinh đảm nhiệm chức Thượng thư Bộ Hình sung Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc Tử giám, nắm giữ việc hình luật, viết sử và dạy học trong Kinh. Năm 1879, ông được cử làm Đại thần Viện Cơ mật.
Năm 1882, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc ở Thiên Tân. Về nước năm 1883, theo sự sắp xếp của phái chủ chiến, ông được cử làm Thượng thư Bộ Hộ, trong khi vẫn giữ nguyên chức vụ cũ ở Sử quán, Quốc Tử giám và Viện Cơ mật. Năm 1884 được thăng Hiệp biện Đại học sĩ kiêm Công bộ Tả Tham tri. Năm 1885, trong cao trào Cần Vương chống Pháp, ông đã cùng Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị), thảo Hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên đánh Pháp khôi phục độc lập dân tộc. Việc không thành, Phạm Thận Duật cùng hai người con là Phạm Luyện và Phạm Cận bị Pháp bắt ở thôn Hà Trung, Quảng Trị. Thực dân Pháp đã đưa cả ba phụ tá chủ chốt của vua Hàm Nghi và phái chủ chiến (ông cùng Tôn Thất Đính tù thay cho con là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường) đày ra Côn Lôn, sau đó đưa đi đày biệt xứ tận đảo Tahiti. Trên đường đi ở địa phận Mã Lai, do lâm bệnh nặng, ông hy sinh ngày 29.11.1885. Thi hài ông bị kẻ thù ném xuống biển.
Phạm Thận Duật không chỉ là nhà yêu nước, một vị quan thanh liêm, nhà chính trị, một nghĩa sĩ Cần Vương mà còn là nhà văn hóa, giáo dục, kinh tế, thủy lợi, quân sự, ngoại giao có tài thao lược. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị như Hưng Hóa ký lược, Quan Thành văn tập, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Quan Thành tấu tập và nhiều tác phẩm trong các tập Hà đê tấu tập, Hà đê tấu tư tập. Đặc biệt vể mặt sử học, từng làm Phó Tổng tài Quốc sử quán, nên ông chính là người hiệu đính và kiểm duyệt lần cuối bộ quốc sử lớn, bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Đây là bộ sử đồ sộ, gồm 53 quyển (khoảng trên 50 vạn chữ Hán). Nhận xét về tài năng sử học của ông, Tự Đức việt :”Cứ xem các bản sớ tấu đủ biết y (chỉ Phạm Thận Duật) thường lưu tâm điển xưa tích cũ, tất là thấy rộng nghe xa” và ủy thác cho ông trọng trách lớn này. Vậy mà đáng tiếc, cuộc đời và sự nghiệp của “vị quan thanh liêm , một nhà chính trị vì nước, vì dân” (lời PGS.TS Trần Đức Cường, Viện trưởng Viện Sử học) ấy, suốt 100 năm qua, hầu như không được lịch sử nhắc đến. Hơn thế nữa, còn có những ý kiến khác nhau về ông, xuất phát từ việc chính ông là người năm 1884 đã thay mặt triều đình Huế ký điều ước Giáp Thân, hay còn gọi là điều ước Patenôtre. Phân tích hoàn cảnh lịch sử hồi đó, GS Đinh Xuân Lâm cho rằng :”Quân Pháp đang đánh chiếm khắp nơi, họa mất nước có thể xảy ra ngày một, ngày hai. Phạm Thận Duật ngay từ đầu đã dứt khoát đứng về phe chủ chiến, nhưng cần thêm thời gian để nuôi dưỡng sức lực. Chính trong những ngày ký Điều ước Giáp Thân, ông đã đồng thời cho xây dựng những đồn phòng thủ dọc đường biền giới phía Tây, chuẩn bị khi cần, triều đình Huế có thể rút ra xây dựng thành căn cứ địa cho một cuộc kháng chiến mà ông biết nhất định sẽ xảy ra...Bi kịch của ông chính là bi kịch của đất nước.” Sách Đại Nam thực lục đã 61 lần nhắc đến tên ông. Tiếc rằng phải trải qua một thời gian khá dài tấn kịch của cuộc đời Phạm Thận Duật mới được làm sáng tỏ.
Năm 1898, cuốn Phạm Thận Duật-Cuộc đời và tác phẩm của nhà nghiên cứu văn học và sử học Nguyễn Văn Huyền ra mắt bạn đọc. Lần đầu tiên, sự nghiệp yêu nước chống Pháp của ông đã được khẳng định. Cuốn sách trên và hàng loạt bài viết của nhiểu nhà sử học đã làm rõ thêm cuộc đời của một nhân vật lịch sử đã từng bị quên lãng. Những nhận định và đánh giá của các nhà sử học đã chứng minh vai trò và sự đóng góp của ông trong nửa cuối thế kỷ XIX. Trong lời tựa cuốn sách trên, GS Nguyễn Hồng Phong đã viết :”...Sự nghiệp của Phạm Thận Duật thật là toàn diện. Những ông quan thanh liêm trong chế độ quân chủ Việt Nam ngày xưa không phải là huyền thoại, là cổ tích mà là một truyền thống đẹp của người trí thức Việt Nam được đào tạo theo Nho giáo. Và kết thúc cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Thận Duật thật là trọn vẹn : một nhà yêu nước chống ngoại xâm kiên quyết và hy sinh trên đường bị đi đày, nấm mồ của ông là biển cả”. Sau đó, mãi đến năm 1995, mới có một cuộc hội thảo khoa học đầu tiên về Phạm Thận Duật. Năm 2000, kỷ niệm 115 năm ngày mất của ông, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đúc một tượng đồng của ông và trao tặng Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam ấn hành Phạm Thận Duật toàn tập dày 837 trang, trường tiểu học Yên Mạc ở tỉnh Ninh Bình đổi tên thành trường Phạm Thận Duật.
Cũng trong năm 2000, để ghi nhớ công ơn của danh nhân và khuyến khích việc học tập, nghiên cứu và giáo dục lịch sử, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và hậu duệ đời thứ 5 của ông là Kỹ sư Phạm Đình Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam đã có sáng kiến thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật bằng nguồn vốn gia đình đóng góp để trao giải thưởng hàng năm cho những công trình sử học có giá trị, trước mắt là những luận án tiến sĩ sử học đã được bảo vệ xuất sắc tại các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước trong thời gian từ 1 tháng 10 năm trước đến 30 tháng 9 năm sau trên pham vi toàn quốc. Giải thưởng này được các cơ sở đào tạo giới thiệu và được Hội đồng xét thưởng của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng đề nghị. Lễ trao giải thưởng được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử giám vào ngày 29 tháng 11 hàng năm nhân ngày giỗ của danh nhân. Từ đó đến nay, Quỹ đã ba lần trao giải thưởng cho 20 luận án tiến sĩ xuất sắc. Mỗi giải được cấp bằng chứng nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật kèm theo tiền thưởng : giải nhì mỗi giải 3 triệu đồng, giải ba mỗi giải 2 triệu đồng. Trong đó, năm 2000 có 3 giải nhì, 3 giải ba. Năm 2001 có 2 giải nhì, 4 giải ba. Năm 2002 có 4 giải nhì, 4 giải ba. Qua 3 năm chưa có giải nhất nào được trao. Nói về việc này, ông Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ cho biết : ”Đến nay, chưa có công trình nào được chọn để trao giải nhất cũng do uy tín của danh nhân đã vượt lên tầm quốc tế. Vì vậy, giải nhất phải thực sự xứng đáng, có đóng góp lớn cho sử học để khi các sử gia nước ngoài có tìm đến với giải thưởng thì cũng là tìm đến với công trình khoa học có tầm cỡ của Việt Nam”. Đây chính là một mô hình khuyến học, một giải thưởng kịp thời cho giới sử học Việt Nam, là nguồn động viên và là niềm tự hào của các tiến sĩ sử học..
CÔNG HẬU - QUANG ANH

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009

BÁO CHÍ VIẾT VỀ QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

BÁO TUỔI TRẺ :
MỘT GIẢI THƯỞNG KỊP THỜI
CHO GIỚI SỬ HỌC VIỆT NAM

Vậy là kể từ ngày 29.11.2000 này, lần đầu tiên giới sử học nước nhà đã có một giải thưởng hàng năm và duy nhất cho đến nay của riêng mình : Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật (Nhà sử học cuối thế kỷ XIX, người đã viết và chỉ đạo việc biên soạn nhiều cuốn quốc sử của nước Việt Nam thời phong kiến), dành cho những luận án Tiến sĩ sử học xuất sắc nhất trong năm với số tiền thưởng hàng năm lên tới 20 triệu đồng.
Giải thưởng này ra đời có lẽ không chỉ làm giới sử học trong nước vui mừng mà còn làm cho tất cả những người quan tâm đến truyền thống, đến văn hóa nước nhà mừng rỡ. Bởi đã từ lâu rồi người ta lo lắng cho việc nhiều học sinh trung học phổ thông không hề biết Quang Trung, Lê Lợi là ai; hay có cô người đẹp thi ứng xử lại cho rằng các nữ anh hùng dân tộc của Việt Nam là bà Trưng, bà Triệu và....hai bà Trưng” (!); học sinh thi Đường lên đỉnh Olympia lại không thể nói tên bài quốc ca nước nhà; rằng nhiều học sinh Việt Nam không thuộc sử nước nhà bằng sử Trung Hoa; ngày trung thu rặt thích hóa trang thành Hoàn Châu cách cách; hay các cháu bé đến lớp mà ăn nói hệt như triều đình Mãn Thanh....mà không hề biết chúng ta có một nền lịch sử hào hùng chẳng kém người bạn láng giềng. Thế nhưng giải quyết vấn đề lớn lao này bằng cách nào lại chẳng ai rõ bởi ở Việt Nam, học sinh học lịch sử chủ yếu từ trường học mà ở đây lịch sử chi được coi là một môn phụ.
Tất nhiên tình thế trên sẽ không thể thay đổi một sớm một chiều chỉ bằng giài thưởng này, với 20 triệu đồng sẽ phải chia năm sẻ bảy và có nhiều luận án Tiến sĩ xuất sắc chưa chắc đồng nghĩa với sự gia tăng trình độ sử học của số đông người Việt Nam. Nhưng điều đáng nói ở chỗ người sáng lập Quỹ giải thưởng này không phải là Nhà nước hay một tổ chức xã hội mà chỉ là các cá nhân : ông Phạm Đình Nhân, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đại diện cho các hậu duệ của dòng họ Phạm, đã bỏ tiền túi ra để sáng lập nên giải thưởng này, trong khi chính Hội Khoa học lịch sử lại chưa có giải thưởng của mình bởi một lý do “muôn năm cũ” là chưa được Nhà nước tài trợ!
Thế nhưng đã có người đầu tiên sẽ có những người tiếp tục, tức là ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với lịch sử nước nhà và truyền thụ cho lớp trẻ.
LAN ANH

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

BẢNG VÀNG DANH DỰ (Tiếp theo)

GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ SÁU - NĂM 2005

Giải Nhì: Tiến sĩ Hoàng Khắc Nam, Khoa Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận án: Quá trình phát triển quan hệ Việt Nam - Thái Lan (1976 -2000)

Giải Nhì: Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Ngày tháng năm sinh: 26-04-1958
Quê quán: Biên Hoà, Đồng Nai
Địa chỉ: Văn phòng Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0913 860 405
Luận án: Chính sách của các vương triều Việt Nam đối với người Hoa

Giải Ba: Tiến sĩ Nguyễn Đình Liêm, Viện Sử học
Ngày tháng năm sinh: 11/1/1954
Quê quán: Hà Tĩnh
Địa chỉ: Viện phó Viện Nghiên cứu Trung Quốc, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0903 280 583
Luận án: Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn ở Đài Loan

Giải Ba: Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Viện Khảo cổ học
Ngày tháng năm sinh: 18-05-1971
Quê quán: Ứng Hoà , Hà Tây
Địa chỉ: Phòng Nghiên cứu Sưu tầm - Bảo tàng Lịch sử, số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội
Điện thoại: 04 39 332 901 - 0912 023 710
Luận án: Khu Di tích trung tâm Lam Kinh (Thanh Hoá)

GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ BẢY – NĂM 2006

Giải Nhất: Tiến sĩ Phan Hải Linh, Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội. ĐT : 04.38584596
Ngày tháng năm sinh: 26.8.1970
Quê quán: Xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh
Địa chỉ: Phòng 804, nhà 17T2 Trung Hoà Nhân Chính, phố Hoàng Đạo Thuý, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 04.32510658-04.39349735. Fax : 84.4.38240345. Email : linh_ph@yahoo.com
Luận án: Trang viên Nhật Bản thế kỷ VIII-XVI qua trang viên Oyama và Hine

Giải Nhì: Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Trung tâm Bảo tàng Di tích Cố đô Huế
Ngày tháng năm sinh : 18.1.1959
Quê quán: Xã Phú Hải, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế
Địa chỉ: 9/2 La Sơn Phu Tử, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế
Điện thoại: 054.3522840 - 0913425240
Luận án: Vai trò Bộ Công trong việc xây dựng kinh đô Huế dưới triều Nguyễn (giai đoạn 1802-1884)

Giải Ba: Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương, Trung tâm Thông tin Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày tháng năm sinh: 1.1.1954
Quê quán: Xuân Nẻo, Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương
Địa chỉ: 6 Ngõ 140, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35531432 – 04.37546558
Luận án: Lịch sử hình thành và phát triển hệ thống thông tin-thư viện Đại học Mỹ và định hướng vận dụng một số kinh nghiệm vào thư viên Đại học Viẹt Nam.

Giải Ba : Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng
Ngày tháng năm sinh : 24.1.1957
Quê quán : Xã Tân Chi, huyện Tiên Du, Bắc Ninh
Địa chỉ : Số 4/19/102, đường Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại : 04.38685898 – 04.38253646/206
Luận án : Hoạt động của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hiệp quốc sau chiến tranh lạnh

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

BẢNG VÀNG DANH DỰ (Tiếp theo)

GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ TƯ – MĂM 2003
Giải Nhì : Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.
Ngày tháng năm sinh : 16.09.1967.
Nguyên quán : Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế.
Địa chỉ : 30 Trần Xuân Soạn, Thuận Lộc, Tp Huế
Điện thoại : 054.3529204 – 0903572371
Email : tranducas@yahoo.com
Luận án : Đồ sứ Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa từ 1804 đến 1924 hiện tàng trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Giải Nhì : Tiến sĩ Phan Phương Thảo, Khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày tháng năm sinh : 31.10.1962
Nguyên quán : Thạch Châu, Thạch Hà, Hà Tĩnh
Địa chỉ : 37 Ngõ 64 Lê Trọng Tấn, Hà Nội
Điện thoại : 04.38533599 – 04.38585284 – 0983281954
Fax : 04.38240345 – Email : phanhuythao@yahoo.com
Luận án : Chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định qua tư liệu địa bạ.
Giải Ba : Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện Khảo Cổ học
Ngày tháng năm sinh : 24.01.1959
Nguyên quán : Hoàng Cát, Hoằng Hoá, Thanh Hoá
Địa chỉ : 88B Phố Huế, Hà Nội
Điện thoại : 04.36418262 – 04.39333858 – 0904264894.
Fax : 04.39331607 – Email : lelien_thi@hotmail.com
Luận án : Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thês kỷ X
Giải Ba : Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng. Cục Di dản Văn hoá, Bộ Văn Hoá Thông tin
Ngày tháng năm sinh : 26.02.1964
Nguyên quán : Thượng Quận, Kinh Môn, Hải Dương
Địa chỉ : Cục DSVH, 51-53 Ngô Quyền, Hà Nội
Điện thoại : 04.38225859 – 0913510142 – 04.39436131
Luận án : Quán Đạo giáo ở Hà Tây
Giải Ba : Tiến sĩ Nguyễn Thế Hoàn, Trưởng khoa Bồi dưỡng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình
Ngày tháng năm sinh Tiểu khu 10, Phường Đồng Phú, Tp Đồng Hới, Quảng Bình
Điện thoại : 052.3821095 – 052.3824996
Luận án : Cấu trúc và văn hoá làng xã người Việt ở Quảng Bình nửa đầu thế kỷ XIX/

GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ NĂM – NĂM 2004
Giải Nhì : Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoà, Viện Khảo cổ học
Ngày tháng năm sinh : 05.10.1962
Nguyên quán : Hà Nội
Địa chỉ : Số 4, phố Vọng Đức, phường Hàng Bài, Hà Nội
Điện thoại : 04.38241554 -0912075023
Luận án : Các loại hình di tích kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội (Thế kỷ XIX)
Giải Nhì : Tiến sĩ Phan Văn Hoàng, Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh
Ngày thág năm sinh : 06.02.1945
Nguyên quán : Thành phố Đà Nẵng
Địa chỉ : 440/69, Đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Phú Nhuận Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại : 08.3454424
Luận án : Việt Nam trong chính sách của Mỹ từ 1940 – 1956
Giải Ba : Tiến sĩ Đặng Xuân Kháng, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày tháng năm sinh : 19.07.1954
Nguyên quán : Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định
Địa chỉ : 110, B18, TT Kim Liên, Hà Nội
Điện thoại : 04.38524582 – 0912398648
Luận án : Cải cách giáo dục và những tác động chủ yếu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Nhật Bản (từ Minh Trị Duy Tân đến thời kỳ sau chiến tranh thé giới thứ 2)
Giải Ba : Tiến sĩ OnKeo Phômmakon, Quốc tịch Lào, bảo vệ tại Hội đồng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Luận án : Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo quá trình xây dưngj bộ máy hành chính nhà nước (1975 -1995)

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

BẢNG VÀNG DANH DỰ (Tiếp theo)

GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ HAI – NĂM 2001.

Giải Nhì : Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh, Giảng viên Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh
Ngày tháng năm sinh : 19.06.1959
Nguyên quán : Thừa Thiên - Huế
Địa chỉ : 55 Nguyễn Văn Thủ, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Điện thoại : 08.38321705 – Fax : 08.38398946
Luận án : Định chế quản lý nhà nước thời Nguyễn
Giải Nhì : Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Chuyên viên Viện Khảo Cổ học.
Ngày tháng năm sinh : 18.05.1959.
Nguyên quán : Thanh Thuỷ, Tĩnh Gia, Thanh Hoá.
Địa chỉ : 35, Tổ 55, Cụm 9 Ngọc Hà, Hà Nội
Điện thoại : 04.38470691 - 04.39333858 – 0913046510
Luâqnj án : Mộ thuyền trong văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam
Giải Ba : Tiến sĩ Hà Mạnh Khoa, Cán bộ Ban Nghiên cứu và Biên soan lịch sử Thanh Hoá
Ngày tháng năm sinh : 22.07.1955.
Nguyên quán : Yên Hưng, Ý Yên, Nam Định
Địa chỉ : Phường Trường Thi, thành phố Thanh Hoá
Điện thoại : 0373857117 – CQ : 0373851697
Luận án : Sông đào ở Thanh Hoá từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX
Giải Ba : Tiến sĩ Cao Thanh Tân, Cán bộ Phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tư lệnh Biên phòng.
Ngày tháng năm sinh : 12.08.1957.
Nguyên quán : Châu Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình.
Địa chỉ : P305, N14, TT Bộ đội biên phòng, K9 Phường Bạch ĐẰng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại : 04.38214830 – 04.38268191/274.
Luận án : Vùng biên giới Châu Đốc từ khi thành lập đến năm 1874
Giải Ba : Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Chi, Chuyên viên Viện Sử học Việt Nam
Ngày tháng năm sinh : 20.12.11957
Nguyên quán : Nghĩa Hương, Quốc Oai, Hà Nội
Địa chỉ : 106, Nhà 222C, Ngõ 260, Đội Cấn, Ba Đình,Hà Nội
Điện thoại : 04.38328624 – 04.38212569
Luận án : Thái ấp - Điền trang thời Trần thé kỷ XIII-XIV
Giải Ba : Tiến sĩ Đào Minh Hồng, Trường Đại học KHXH&NV Tp Hồ Chí Minh
Ngày tháng năm sinh :
Nguyên quán :
Địa chỉ : Điện thoại :
Luận án : Chính sách đối ngoại của Thái Lan (Xiêm) cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ BA – NĂM 2002

Giải Nhì : Tiến sĩ Phạm Thị Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
Ngày tháng năm sinh : 15.12.1950
Nguyên quán : Thanh Trì, Hà Nội
địa chỉ : Số 11, Ngách 426/48, Đường Láng, Hà Nội
Điện thoại : 04.35620631 – 04.39781740
Email : phamthivinh50@yahoo.com
Luận. án : Hồi giáo trong đời sống chính trị, văn hoá, xã hội của Malaysia.
Giải Nhì : Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện Khảo cổ học
Ngày tháng năm sinh : 220.10.1963
Nguyên quán : Tân An, Thanh Hà, Hải Dương
Địa chỉ : 17B, E3, TT Khương Mai, Hà Nội
Điện thoại : 04.38520878 – 04.39333858 – 0913308859
Luận án : Gốm Hợp Lễ trong phức hợp gốm sứ thời Lê
Giải Nhì : Tiến sĩ Hồ tuấn Dung, Khoa Mác Lê Nin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Ngày tháng năm sinh : 22.04.1960
Nguyên quán : Tường sơn, Anh Sơn, Nghệ An
địa chỉ : 4, Ngõ 167 Đường Xuân Thuỷ, Hà Nội
Điện thoại : 04.37685888 – 0913363177
Luận án : Chính sách thuế của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ từ 1897 đến 1945
Giải Nhì : Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, Trường Cao Đẳng Sư phạm Tiền Giang
Ngày tháng năm sinh : 28.12.1963
Nguyên quán : Mỏ Cày, Bến Tre
Địa chỉ : C3, Khu Liên cơ, Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho, Tiền Giang
Điện thoại : 073.3879399 – 073.3872624
Luận án : Kinh tế nông nghiệp Tiền Giang thế kỷ XIX.
Giải Ba : Tiến sĩ Trần Thị Nhơn, Học viện Thanh Thiếu niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM
Ngày tháng năm sinh : 02.08.1960
Nguyên quán : Đức Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Địa chỉ : P4, A11,TT Học viện Thanh Thiếu niên, Láng, Hà Nọi
Điện thoại : 04.38355700 – 04.3551733
Luận án : Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò thanh niên và sự vận dụng của Đảng cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước (ừ 1975 đến 1996)
Giải Ba : Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế
Ngày tháng năm sinh : 20.10.1962
Nguyên quán : Vinh Thanh, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế
địa chỉ : Phòng 37, Nhà D, Khu Tập thể 18, Đống Đa, Huế
Điện thoại : 054.3833776 – 0914031720 – 054.3823833
Fax : 054.3824901
Luận án : Quan xưởng ở kinh đô Huế từ 1802 đến 1884
Giải Ba : Tiến sĩ Trịnh Thị Thuỷ, Vụ Văn hoá Dân tộc, Bộ Văn hoá Thông tin.
Ngày tháng năm sinh : 10.06.1971
Nguyên quán : Cẩm Tú, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá
Địa chỉ : Tổ 48B, Phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại : 04.37841716 – 04.39438321/128 – 0903400499
Luận án : Tình hình ruộng đất và kinh tế nông nghiệp ở huyện Đông Sơn, Thanh Hoá nửa đầu thế kỷ XIX
Giải Ba : Tiến sĩ Hà Thị Mỹ Hương, Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia HCM
Ngày tháng năm sinh : 10.12.1952
Nguyên quán : Sơn Hoà, Hương Sơn, Hà Tĩnh
Địa chỉ : Khu TT Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
điện thoại : 04.37540069 -04.38361031
Luận án : Sự vận động của quan hệ Nga-Mỹ sau chiến tranh lạnh và ảnh hưởng của quan hệ đó đến Việt Nam

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ NHẤT (Năm 2000)

Ngày 29.11.2000, tại Bái Đường Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã tổ chức long trọng Lễ tưởng niệm nhân 115 năm ngày mất danh nhân và Lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ Nhất.
Trước đó, theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duât, Ban điều hành Quỹ đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tuyển chọn các luận án tiến sĩ sử học từ các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ trong cả nước.
Một Hội đồng Xét thưởng đã được thành lập do Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng Xét thưởng gồm 5 vị là các Giáo sư sử học có uy tín đã làm việc (có sự tham gia của Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật), Hội đồng đã chọn ra được 6 luận án tiến sĩ sử học được nhân Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ Nhất (năm 2000).

BẢNG VÀNG DANH DỰ
CÁC TIẾN SĨ SỬ HỌC ĐƯỢC TRAO
GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT
LẦN THỨ NHẤT – NĂM 2000


Để bạn đọc biết những thông tin về các Tiến sĩ sử học đã đoạt Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật một cách hệ thống từ khi có Giải thưởng (năm 2000) đến nay, trang blog này từ nay sẽ cung cấp dần dần và lần lượt những thông tin cơ bản của các Tiến sĩ và đề tài luận án được trao giải theo từng năm và theo các thứ hạng giải.
Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật cũng mong các tiến sĩ sử học được trao giải thưởng thông cảm, nếu có thông tin sai lệch so với hiện nay (nhất là có sự thay đổi về địa chỉ và số điện thoại), mong các vị lượng thứ và gửi những thông tin cần sửa lại cho chúng tôi theo hộp thư điện tử sau : phdinhnhan@gmail.com
Chúng tôi cũng xin lỗi vì chưa có điều kiện đưa ảnh các vị tiến sĩ kèm theo. Khi nào có điều kiện chúng tôi xin đăng theo ảnh và Bản tóm tắt các luận án tiến sĩ được giải.


Giải Nhất : không có
Giải Nhì : (ba giải) :

1.Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày tháng năm sinh : 12.12.1962
Nguyên quán : Thanh Hoá
Địa chỉ : 7 Ngõ Huy văn, Tông Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại : 04.38511669 – 04.38585284
Luận án :Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ TOKUGAWA, nguyên nhân và hệ quả.
2. Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương, Q. Viện trưởng Viên Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ngày tháng năm sinh : 02.11.1957
Nguyên quán : Kỳ Phong, Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Địa chỉ : 60A, Tổ 1, Phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại : 04.38570058 – Email : chiqub@yahoo.com
Luận án : Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phá “quốc sách” ấp chiến lược của Mỹ-Nguỵ ở miền Nam Việt Nam (1961-1965)

3. Tiến sĩ Đàm Thị Uyên, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên
Ngày tháng năm sinh : 04.10.1969
Nguyên quán : Quốc Toản, Trà Lĩnh, Cao Bằng
Địa chỉ : Tổ 8B, Phường Hoàng Văn Thụ, Thái Nguyên
Điện thoại : 0280.856887 – Fax : 0280857867
Luận án :Huyện Quảng Hoà (tỉnh Cao Bằng) từ khi thành lập đến giữa thế kỷ XIX.

Giải Ba : (ba giải) :
1.Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung, Giảng viên Khoa Sử, Trưởng ĐHKHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh
Ngày tháng năm sinh : 07.02.1961
Nguyên quán : Hưng Yên
Địa chỉ : 109 Đường Lạc Long Quân, P. 10, Q. Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại : 08.38291099 – Email :ngocdungnguyen@hotmail.com
Luận án : Sự hình thành chủ nghĩa khu vực của ASEAN

2. Tiến sĩ Vũ Quang Hiển, Giảng viên Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày tháng năm sinh :21.12.1951
Nguyên quán : Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình
Địa chỉ : Trung tâm nội trú sinh viên ĐHQG Hầ Nội
Điện thoại : 04.38545182 – 04.8585284
Luận án : Đảng lãnh đạo xây dựng căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954).

3. Tiến sĩ Nguyễn Quang Hồng, Giảng viênTrường Đại học Sư phạm Vinh, Nghệ An.
Ngayf tháng năm sinh : 12.06.1964.
Nguyên quán : Vân Diên, Nam Đàn, Nghệ An
Địa chỉ : Hà Long, Vân Diên, Nam Đàn, Nghệ An.
Điện thoại : 038.3822018 – 0912480020
Luận án : Thành phố Vinh – Quá trình hình thành và phát triển.

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Bài phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật

QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT,
NIỀM VINH DỰ CỦA DÒNG HỌ PHẠM YÊN MÔ

PHẠM ĐÌNH NHÂN
Chủ tịch Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật
Kính thưa các vị đại biểu,
Hôm nay, nhân kỷ niệm 119 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật tổ chức lễ tưởng niệm danh nhân và lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đồng thời là ngày kỷ niệm 5 năm Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật ra đời, thay mặt cho Hội đồng Điều hành Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, tôi xin chân thành cảm ơn các vị đại biểu và bà con họ Phạm đã đến dự buổi lễ trọng thể này.
Phạm Thận Duật là một nhà yêu nước, nhà văn hóa, người góp phần khởi động phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Kể từ năm 1989, sau khi cuốn sách Phạm Thận Duật-Cuộc đời và tác phẩm, một công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền vừa tạ thế được xuất bản, giới sử học và văn hóa đã có nhiều những công trình nghiên cứu về nhân vật lịch sử này được trình bày tại Hội thảo khoa học cũng như đã được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu, trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng với những hoạt động nhằm tôn vinh danh nhân của đất nước.
Phạm Thận Duật là một nhà văn hóa đa diện. Ông hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực. Ngoài tư cách là một nhà quản lý hành chính, ông còn là một nhà chính tri, ngoại giao, quân sự. Ông hoạt động cả về giáo dục, khoa học thuỷ lợi, kinh tế. Ông là nhà địa chí học, nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ học, nhà sử học.
Riêng về mặt sử học, với nhiệm vụ Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám, Ông được vua Tự Đức giao cho nhiệm vụ kiểm duyết lần cuối bộ sử lớn của nước ta dưới triều Nguyễn. Đó là bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ông còn là người được triều đình nhà Nguyễn giao cho “sửa” bộ Dực Tông Anh hoàng đế tức sách Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ ghi chép những sự kiện lịch sử dưới triều Tự Đức. Trong các tác phẩm mà ông để lại cho đời sau như Hưng Hóa ký lược, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Quan Thành văn tập và một số tác phẩm trong các bộ Hà đê tấu tập, Hà đê tấu tư tập, Hà đê bộ văn tập và Điều trần đê chính sự nghi tập đều toát lên tư chất của một nhà sử học có kiến thức uyên thâm về lịch sử..
Nhằm tôn vinh một danh nhân đất nước đồng thời là một nhà sử học chân chính và cũng để khuyến khích và động viên tài năng và trí tuệ của giới sử học, các con cháu hậu duệ chúng tôi mạnh dạn tiến hành việc thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và đề nghị với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam công bố Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Giải thưởng này hàng năm dành trao cho các công trình sử học xuất sắc mà trước mắt là các luận án tiến sĩ sử học đã được bảo vệ xuất sắc tại các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước. Và trong những năm qua, Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật vẫn đều đều phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam để xét và trao Giải thưởng này.
Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật ra đời đến nay đã được năm năm. Giải mang một vinh dự là một giải hàng năm đầu tiên của giới sử học và cũng là một giải mở đầu năm năm đầu tiên của thế kỷ XXI này. Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã góp phần xây dựng nên một giải hàng năm đầu tiên của ngành sử học, một ngành khoa học xã hội gắn liền đời sống xã hội thường nhật với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc nhằm thúc đẩy nguồn lực hôm nay đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Và như vậy Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật cũng được cái vinh dự đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước vinh quang đó.
Nhân ngày lễ tưởng niệm 119 năm ngày mất danh nhân và lễ trao giải năm nay, chúng ta cũng kỷ niệm 5 năm ngày công bố Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và cũng là kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, tôi xin thay mặt Hội đồng Điều hành Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật một lần nữa xin kính chúc và cảm ơn các vị đại biểu đã đến dự buổi lễ trọng thể hôm nay
Năm năm trôi qua, Quỹ đã cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao 29 giải (trung bình mối năm 6 giải) cho các tiến sĩ sử học có luận án xuất sắc, trong đó có 13 giải Nhì và 16 giải Ba, không có giải Nhất. Việc chưa có giải Nhất, theo Hội đồng Xét thưởng của Giải, thì đó cũng là một điều sát với thực tế bởi vì chưa xét được một luận án nào xứng đáng có giá trị không những ở trong nước mà còn có thể có giá trị đối với nước ngoài.
Trong quá trình xét Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 5 (năm 2004), Hội đồng xét thưởng của Giải gồm các Giáo sư Tiến sĩ sử học có uy tín, có tên tuối đã đề nghị trao Giải thưởng cho 4 luận án tiến sĩ, nhân buổi lễ này, thay mặt Hội đồng Điều hành Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, chúng tôi xin chân thành gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các tiến sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng Sử học Phạm thận Duật lần thứ 5 ngày hôm nay.
Nhân đây, thay mặt Hội đồng Điều hành Quỹ, chúng tôi hy vọng Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật còn được mở rộng phạm vi hoạt động để không những trao giải cho các luận án tiến sĩ mà còn trao cho các thạc sĩ và cử nhân lịch sử, những công trình nghiên cứu được xuất bản và những cuộc thi tìm hiểu lịch sử nhằm góp phần nâng cao sự hiểu biết lịch sử nước nhà. Quỹ cũng sẽ nỗ lực đóng góp phần mình vào trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm góp phần khuyến khích tinh thần hiếu học trong mọi tầng lớp thanh niên học sinh sinh viên, phát huy tài năng sáng tạo của lớp trẻ và những hoạt động xã hội khác trong các phong trào vận động hiện nay của đất nước ta
Với tôn chỉ mục đích rõ ràng của Quỹ, chúng tôi hy vọng giới sử học mà đại diện là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các tổ chức cơ sở của Hội, các cơ quan giáo dục, các trường đại học có đào tạo môn lịch sử ủng hộ những hoạt động của Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật vì sự phát triển của sử học, vì mục đích phổ cập hiểu biết lịch sử nước nhà trong mọi tầng lớp nhân dân và vì sự tôn vinh tên tuổi của nhà sử học chân chính.
Chúng tôi cũng tin tưởng rằng với tôn chỉ mục đích và phương châm hoạt động đúng đắn, Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật sẽ còn được các hậu duệ Phạm Thận Duật, các bà con dòng họ Phạm trong cả nước, các nhà hảo tâm, các nhà kinh doanh nhiệt tình hưởng ứng xây dựng Quỹ, các cơ quan đoàn thể xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng ủng hộ những hoạt động của Quỹ vì mục tiêu cao cả : Vì sự phát triển nền học vấn của nước nhà.
Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cảm ơn các vị giáo sư, tiến sĩ trong Hội đồng Xét thưởng đã cùng chúng tôi tổ chức việc xét và trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 5 này, cảm ơn Ban Giám độc Trung tâm Hoạt động vặn hoá và khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tạo điều kiện để tổ chức buổi Lễ tưởng niệm danh nhân, Kỷ niệm 5 năm thành lập giải và Lễ trao Giải thưởng hôm nay được tiến hành tốt đep và cuối cùng xin cảm ơn tất cả các vị đại biểu và bà con trong họ đã đến dự buổi lễ long trọng này.
Xin cảm ơn.
free counters