Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

BÁO CHÍ NÓI VỀ QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

BÁO THỂ THAO & VĂN HÓA :
KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY MẤT CỦA PHẠM THẬN DUẬT :
BẮT ĐẦU CÓ GIẢI THƯỞNG
HÀNG NĂM CHO GIỚI SỬ HỌC

Đó là giải thưởng mang tên danh nhân Phạm Thận Duật, sẽ được công bố vào ngày 29.11.2000 nhân kỷ niệm 115 năm ngày giỗ của ông. Giải này dành cho các luận án Tiến sĩ sử học xuất sắc nhất trong năm. Đây cũng là giải thưởng hàng năm đầu tiên và duy nhất cho tới nay dành cho các công trình xuất sắc của ngành khoa học quan trọng này.
Sáng lập ra Quỹ Giải thưởng này không phải là Nhà nước hay một tổ chức xã hội, mà là các hậu duệ của họ Phạm, những người đã bỏ tiền túi ra lập Quỹ, để tài trợ cho ngành sử hoc, đồng thời cũng là để tôn vinh tên tuổi một danh nhân trong dòng họ.
Phạm Thận Duật là một nhà sử học, nhà văn hóa lớn, đồng thời là một chí sỹ yêu nước tham gia lãnh đạo phong trào Cần vương cùng với Tôn Thất Thuyêt. Ông là hiện thân của vinh quang và bi kịch của các trí thức yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Đó là vinh quang của một nho sinh nghèo ở Yên Mạc (Yên Mô-Ninh Bình) đỗ đạt và làm quan đến chức Thượng thư, có chân trong Viện Cơ mật của triều đình. Ông là người dạy dỗ hoàng tử, truyền thụ tinh thần yêu nước cho vua Hàm Nghi, tham gia (có thể thay mặt Vua) thảo Chiếu Cần Vương trên căn cứ kháng chiến. Vậy mà cuộc đời lại kết cục bằng cái chết lưu đầy trên một chuyến tàu viễn dương, táng thây xuống biển. Trên nấm mồ giả ở quê nhà, hai tấm bia ghi lại cuộc đời của ông quan nghĩa liệt phải úp kín vào nhau, sợ bọn gian thần đọc được sinh chuyên lôi thôi với người đã chết. (Sau này ngôi mộ bị phá hỏng, “tấm bia đôi” được con cháu giữ lại và đến năm 1995 mới được phục chế). Phạm Thận Duật còn để lại nhiều tác phẩm văn học, lịch sử và địa chí bất hủ. Ông viết Hưng Hóa ký lược và là ngưôi chỉ đạo việc biên soạn cuốn Quốc sử cuối cùng của nước Đại Việt. Đó là cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Với những đóng góp đó, một giải thưởng sử học mang tên Phạm Thận Duật cũng là điều thỏa đáng. Tuy sáng lập và tài trợ cho Quỹ Giải thưởng là ông Phạm Đình Nhân và các hậu duệ của họ Phạm, nhưng đây không phải là một giải thưởng tư nhân. Tên của giải thưởng, ngoài ý nghĩa tôn vinh một nhà sử học lớn của thế kỷ XIX, không hề bộc lộ một quan điểm hay một khuynh hướng sử học riêng nào. Ông Phạm Đình Nhân, đại diện của các hậu duệ họ Phạm nói :”Tôi là hội viên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, một hội chưa được Nhà nước tài trợ để xét thưởng hàng năm. Tất cả hội viên chúng tôi đều mong muốn có được một cái quỹ, thậm chí Gs. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội, sau khi nhận được một giải thưởng của Nhật Bản còn “cung tiến” cho Hội 20 triệu đồng để tính chuyện tự lập quỹ. Vậy nên hậu duệ dòng họ Phạm chúng tôi đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn để lập Quỹ mang tên cha ông mình với số tiền trao giải hàng năm là trên 20 triệu đồng. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã ủng hộ việc này và cử ra một Hội đồng xét thưởng và trao giải hàng năm cho các luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm của ngành sử học. Vì vậy đây là giải thưởng bộc lộ sự đánh giá chính thức của toàn thể Hội KHLSVN”.Ông Phạm Đình Nhân còn cho biết thêm Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật sẽ được duy trì lâu dài và quyền quản lý Quỹ sẽ được trao cho người kế nhiệm ông Phạm Đình Nhân theo luật thừa kế.
Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ nhất sẽ được trao tại Văn Miếu-Quốc Tử giám. Không có giải Nhất, ba giải Nhì được trao cho các luận án tiến sĩ của các tác giả Nguyễn Văn Kim, Trần Thị Thu Hương, Đàm Thị Uyên, ba giải Ba được trao cho các tác giả : Nguyễn Ngọc Dung, Vũ Quang Hiển, Nguyễn Quang Hồng.
ĐỖ DOÃN PHƯƠNG

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

PHẠM THẬN DUẬT, MỘT NHÀ SỬ HỌC CHÂN CHÍNH

Bài nói trong buổi lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 2 (29.11.2001) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội

PHẠM THẬN DUẬT,

MỘT NHÀ SỬ HỌC CHÂN CHÍNH

Gs, NGND ĐINH XUÂN LÂM

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành Quỹ GTSH Phạm Thận Duật

Chủ tịch Hội đồng Xét thưởng

Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật

Phạm Thận Duật (1825-1885) hiệu là Vọng Sơn, tên chữ là Quan Thành, quê làng Yên Mô thượng, tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).

Từ một nho sinh nghèo, sớm mồ côi cha, mẹ phải tần tảo nuôi con, rồi đi học thi đỗ và ra làm quan, cuộc đời Phạm Thận Duật cũng giống như nhiều nho sĩ khác cùng thời, nhưng có điểm rất đáng được trân trọng và đề cao. Đó là phẩm chất một sĩ phu chân chính, một trí thức dân tộc tiểu biểu đã bộc lộ từ rất sớm, và ngày càng phát triển trong một thời đại đầy biến động của lịch sử dân tộc hồi cuối thế kỷ XIX. Ngay từ những ngày đầu ra làm quan (1852), và sau đó suốt trên hoạn lộ đằng đẵng đến 30 năm đầy khó khăn gian khổ, kinh qua bao chức vụ từ nhỏ tới lớn, ở các địa phương cũng như ngay tại kinh thành, về nhiều mặt và trong bất cứ công tác nào được giao, ông đều tỏ ra là một người năng động, luôn luôn mang hết sức mình phục vụ, một lòng vì dân, vì nước.

Bắt đầu với chức Giáo thụ (dạy học) ở một phủ, rồi làm quan cai trị tại các châu, huyện, phủ miền trung du và miền rừng núi, kể cả dưới miền đồng bằng, có lúc về kinh, lại có thời gian được cử đi phụ trách công tác khai hoang với chức Đồn điền sứ, hay lĩnh chức Hà đê sứ chỉ huy việc trị thủy sáu tỉnh tả ngạn sông Hồng, cũng có thời gian trực tiếp cầm quân tiễu phỉ trên miền biên giới và dọc miền duyên hải. Đặc biệt vào đầu năm 1883 đã cầm đầu phái bộ ngoại giao sang cầu viện nhà Thanh (Trung Quốc) đưa quân sang Việt Nam đánh Pháp, trước đó quân Pháp đã kéo quân từ Sài Gòn ra Bắc chiếm nhiều nơi. Hà Nội, yết hầu của đồng bằng sông Hồng cũng đã bị chúng chiếm vào sáng ngày 25.4.1882. Chuyến đi sứ không có kết quả, triều đình Mãn Thanh đã trắng trợn phản bội nhân dân ta, hoàn toàn nhượng bộ Pháp bằng việc ký Điều ước Thiên Tân (11.5.1884) với nhiều điều khoản có lợi cho Pháp trên chiến trường Việt Nam.

Lợi dụng tình hình đó, thực dân Pháp đã liên tiếp dùng áp lực quân sự buộc triều đình Huế phải ký Hoà ước Quý Mùi (25.8.1883) đến Hoà ước Giáp Thân (6.6.1884) đánh dấu sự sụp đổ nhà nước phong kiến độc lập của Việt Nam trước sự tấn công hung bạo của chủ nghĩa tư bản Pháp. Nhân nói đến việc ký kết Hoà ước Giáp Thân (6.6.1884), cũng cần nêu rõ tài ngoại giao của Phạm Thận Duật, mặc dù bị đặt vào thế yếu, ông lúc đó giữ chức trưởng đoàn ngoại giao của ta, đã kiên quyết đấu tranh, giành giật với địch một số điều khoản có lợi cho phong trào Cần Vương mà Phạm Thận Duật sau đó được xem như là một người đã góp phần phát động vào cuối năm 1885. Như đã đòi lại bốn tỉnh Bình Thuận, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh là các địa phương có phong trào chống xâm lược Pháp rất mạnh ngay từ đầu, và đã hưởng ứng kịp thời và mạnh mẽ ngay sau khi phong trào Cần Vương bùng nổ (7.1885). Cũng như về các điều kiện đóng quân của Pháp tại Việt Nam nói chung và tại kinh thành Huế nói riêng , tuy được quy định rất có lợi cho Pháp, nhưng lại không đề cập tới số phận quân đội triều đình và như vậy là rất có lợi cho phái kháng chiến một khi chiến sự xảy ra, sẵn có lực lượng trong tay để kịp thời hành động. Đó là chưa nói tới việc quân Pháp không được phép vào đóng trong thành Huế để có thể trực tiếp theo dõi, giám sát mọi hoạt động của quân đội triều đình do thủ lĩnh phái kháng chiến Tôn Thất Thuyết nắm.

Tôn Thất Thuyết, người thủ lĩnh tối cao của phong trào kháng chiến lúc đó đã đặt rất nhiều tin tưởng vào Phạm Thận Duật. Ông đã giao cho Phạm Thận Duật trách nhiệm Khâm sai đại thần để đi đường thuỷ ra Bắc Kỳ lãnh đạo toàn bộ công cuộc kháng chiến. Nhưng Phạm Thận Duật chưa kịp xuống thuyền vượt biển ra Bắc đã bị tay sai của Pháp chặn bắt cùng toàn thể gia quyến sáng ngày 29.7.1885. Vô cùng khẳng khái trước kẻ thù, ông không chịu khai báo bất cứ điều gì có hại cho sự nghiệp cứu nước mà mình đang theo đuổi. Thất bại thảm hại trong mọi âm mưu lung lạc, mua chuộc ông, cuối cùng kẻ thù bất lực đã đày ông ra Côn đảo và ông đã mất trên đường đi đày từ Côn đảo ra đảo Tahiti ngày 29.11.1885, kết thúc một cách bi hùng cuộc đời một văn thân yêu nước.

Một hoạt động khác rất có kết quả với những đóng góp to lớn của Phạm Thận Duật là về mặt văn hoá, sử học.. Tháng 10.1878 (Mậu Dần), ông được vua Tự Đức giao cho việc xét duyệt thẩm định lại bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Một tháng sau (11.1878), để chính thức hóa nhiệm vụ mới được giao, ông được cử lĩnh Quyền Thượng thư Bộ Hình, Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám. Đến năm 1881 (Tân Tỵ), ông được thực thụ Thượng thư Bộ Hình, Phó Tổng tài Quốc sử quán, kiêm quản Quốc tử giám, đại thần Viện Cơ mật, tòng nhị phẩm. Việc Phạm Thận Duật được bổ kiêm nhiệm Phó Tổng tài Quốc sử quán đã chính thức hoá sự khẳng định của vua Tự Đức về phẩm chất của ông qua việc trước đó đã giao kiểm duyệt lại công trình lịch sử đồ sộ thời Nguyễn là bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục với lời uỷ thác :"Bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục các ban đã kiểm phúc, nay giao cho Phạm Thận Duật lúc thư nhàn đem ra xem xét, có chỗ nào nên đổi và nên thêm bớt cho được hoàn chỉnh....Cứ xem xét các bản sớ tấu cũng đủ biết y (Phạm Thận Duật) thường lưu tâm đến điển xưa tích cũ, tất là thấy rộng nghe xa. Nay nên lưu tâm kiểm soát để khỏi ân hận. Ngày nào xong, tiến trình ngay" (Theo Vọng Sơn niên phả-Bản dịch của Phạm Quý Trầm).

Trong thời gian ông đi sứ sang Thiên Tân (Trung Quốc), tình hình nước nhà có nhiều biến động: vua Tự Đức mất, vua Dục Đức lên ngôi được ba ngày thì bị phế, các phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường lập Hiệp Hoà lên thay cũng chỉ được bốn tháng đã bị truất, chính vào lúc đó Pháp đánh chiếm cửa Thuận An, buộc triều đình Huế ký Hoà ước Quý Mùi (25.8.1883). Nhưng khi về đến triều đình Huế (21.1.1884), ông vẫn được giữ chức vụ cũ, chỉ có đổi từ Thượng thư Bộ Hình sang Thượng thư Bộ Hộ, Phó Tổng tài Quốc sử quán, kiêm quản Quốc tử giám, Đại thần Viện Cơ mật; sau đó lại còn thay mặt triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Thân (6.6.1884).

Tất cả các sự kiện dồn dập trên cho thấy Phạm Thận Duật đã nổi lên hàng đầu trong tình hình lúc đó và được phái kháng chiến trong triều do Tôn Thất Thuyết đứng đầu hết sức tin cậy. Thực hiện nhiệm vụ được giao với một tinh thần trách nhiệm cao, ngày 10.9.1884 (Giáp Thân), ông đã dâng biểu báo cáo hoàn thành bộ Quốc sử, xin chính thức cho in và công bố Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Có thể khẳng định đó là đóng góp to lớn của Phạm Thận Duật vào việc biên soạn bộ quốc sử dưới triều Nguyễn.

Để đánh giá công lao của Phạm Thận Duật đối với sử học nước nhà, còn cần thấy rằng các tác phẩm khác của ông tuy không chính thức là những công trình sử học, nhưng trong thực tế thì nội dung đã chứa đựng những yếu tố lịch sử và tư duy của người viết cũng là tư duy của một nhà sử học. Giờ đây xem Quan Thành văn tập thì thấy rõ năng khiếu, sở thích của ông về sử. Các bài văn trong sách cho thấy xuyên suốt là một cảm hứng lịch sử mạnh mẽ, cũng như trong các trước tác khác của ông. Như trong văn tế Đền Vạn Kiếp, ngọn bút sử của ông như muốn lý giải cái nguyên nhân sâu xa làm nên sự tích của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Không chỉ nêu cao các chiến công oanh liệt của nhà quân sự thiên tài, ông còn nhấn mạnh đến thái độ tôn sùng của nhân dân đối với người anh hùng, đến phẩm chất và đạo đức của người anh hùng, qua đó là sự đánh giá trân trọng của người viết sử đối với nhân vật lịch sử. Đọc kỹ cuốn Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, ta lại bắt gặp phong độ của người viết ký hoà nhập với phong độ của người viết sử qua cách ghi chép nghiêm nhặt, cụ thể từng ngày, thậm chí từng giờ, từng địa điểm về các cuộc hội đàm giữa ông với Lý Hồng Chương (Tể tướng nhà Thanh), người đọc nắm bắt được lịch trình của sứ đoàn cùng các khó khăn vất vả của sứ đoàn trên đất khách. Ngay cả trong các tập Hà đê tấu tậpHà đê tấu tư tập, nếu gạt đi các thủ tục "tâu", "trình" có tính chất hành chính, chúng ta vẫn bắt gặp những luận chứng về lịch sử. Cuối cùng phải nói đến Hưng Hoá ký lược, một trước tác có tầm cỡ nhất của ông. Tuy là một cuốn sách địa chí, nhưng với năng khiếu sử học sẵn có, Phạm Thận Duật đã để lại cho chúng ta ngày nay những trang khảo cứu khá công phu, không chỉ đề cập một cách toàn diện tới nội dung truyền thống mà bất cứ một cuốn địa chí nào đều phải có, lại còn đặc biệt đi sâu giới thiệu các yếu tố lịch sử với sự biến thiên diên cách, tình hình kinh tế, văn hoá, cùng phong tục, tập quán, phong trào đấu tranh của cư dân sinh sống trên cả một vùng Tây Bắc nước ta từ hữu ngạn sông Hồng đến tận biên giới phía nam Trung Quốc và đông bắc Lào. Tất cả các trước tác của Phạm Thận Duật (có tác phẩm viết chung, có tác phẩm viết riêng) đều có giá trị tư liệu nghiên cứu về hành trạng của ông, đều là các chuyên đề về lịch sử, ngoại giao, địa lý, kinh tế, văn hoá, xã hội, rất cần thiết cho việc biên soạn lịch sử của người đời sau. Trên cơ sở những hoạt động và đóng góp cụ thể về lịch sử như vậy, có thể khẳng định Phạm Thận Duật là một trong số những nhà sử học lớn của nước ta trước kia mà ngày nay chúng ta vẫn có thể thừa hưởng các kết quả ông để lại khi nghiên cứu lịch sử, cũng như học tập phong cách viết sử chặt chẽ, nghiêm ngặt của một ngòi bút sử chân chính và đích thực.

Chính trên ý nghĩa đó mà Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng với Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật của hậu duệ họ Phạm, được sự đồng ý của cơ quan văn hoá, đã phối hợp tổ chức việc tuyển chọn và trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật hàng năm cho các luận án Tiến sĩ về lịch sử. Hội Khoa học Lịch sử rất trân trọng và hoan nghênh ý tưởng của hậu duệ danh nhân Phạm Thận Duật đã sáng lập và tổ chức ra Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, đã đề nghị với Hội công bố Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật với ý nghĩa tôn vinh một nhà văn hoá, nhà sử học chân chính của thế kỷ XIX và với mục đích nhằm khuyến khích động viên tài năng và trí tuệ của giới sử học. Quy chế của Qũy Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã xác định đó là một quỹ tồn tại lâu dài và nhiều đời, hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ và với sự phối hợp chặt chẽ của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật ra đời nhằm tài trợ cho việc xét và trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Đây là một giải thưởng hàng năm đầu tiên dành cho các công trình xuất sắc của ngành sử học mà trước mắt là trao các giải thưởng này cho các luận án Tiến sĩ xuất sắc đã được bảo vệ tại các Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ sử học cấp Nhà nước. Trong tương lai, Quỹ sẽ mở rộng hoạt động để trao nhiều giải thưởng cho các loại đối tượng khác như các luận văn thạc sĩ và cử nhân sử học, ngoài ra Quỹ sẽ còn tài trợ cho các hoạt động tìm hiểu lịch sử trong quảng đại quần chúng nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp xoá nạn "mù sử" trong một bộ phận tầng lớp nhân dân.

Hàng năm, lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội vào ngày 29.11 dương lịch, nhân kỷ niệm ngày mất của danh nhân. Với ý nghĩa đó, xin trân trọng cảm ơn các đại biểu, các vị cùng các bạn đã tới dự buổi lễ trao giải thưởng hôm nay

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

GIỚI THIỆU VÀI NÉT VỀ QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT


Trong Đại hội lần thứ IV Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (tháng 12.1999) có một vấn đề được các đại biểu quan tâm : Cho đến nay Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chưa có Giải thưởng Sử học để trao thưởng hàng năm cho các công trình sử học xuất sắc.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tổ chức một Quỹ Giải thưởng để trao thưởng hàng năm cho các công trình sử học có giá trị, với tư cách là một hội viên hội Khoa học lịch sử Việt Nam và là con cháu hậu duệ nhà sử học yêu nước Phạm Thận Duật, ông Phạm Đình Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam đã dành một khoản tiền của gia đình mình lập một quỹ gọi là Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và đề xuất với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng phối hợp tổ chức việc xét thưởng hàng năm cho các công trình sử học (trước mắt là các luận án Tiến sĩ sử học đã được bảo vệ tại các Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ sử học cấp Nhà nước) để trao thưởng hàng năm do Quỹ tài trợ tiền thưởng.

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã hoan nghênh ý tưởng tốt đẹp đó, tán thành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ và có kế hoạch phối hợp hoạt động với Quỹ để tiến hành trao Giải thưởng Sử học hàng năm..Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng quyết định cử 2 vị sau đây tham gia vào Ban Điều hành Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật do ông Phạm Đình Nhân làm Chủ tịch Quỹ :

1. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

2. Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Ngày 1.11.2000, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã ký quyết định số 41/HSH công bố Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và xác định giải thưởng được sự tài trợ hàng năm của Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.


HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT


Chủ tịch : KS PHẠM ĐÌNH NHÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam

Các Phó Chủ tịch : - GS, NGND ĐINH XUÂN LÂM, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

- Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN

- Nhà báo TRỊNH THỊ LIÊN, Trưởng ban Biên tập Báo Thiếu Niên Tiền Phong

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

LỜI NÓI ĐẦU KHI MỞ BLOG PHẠM THẬN DUẬT, MỘT NHÂN CÁCH LỚN



LỜI NÓI ĐẦU KHI MỞ BLOG

“PHẠM THẬN DUẬT, MỘT NHÂN CÁCH LỚN

Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được thành lập từ năm 2000 cùng với việc ban hành Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Tháng 11 năm nay (11.2009) là dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và cũng là dịp kỷ niệm 10 năm ngày ban hành Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.

Gần mười năm đã trôi qua, nhưng Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật chưa được giới thiệu rộng rãi trên mạng thông tin điện tử. Để chuẩn bị cho sự kiện Kỷ niệm 10 năm Quỹ Giải thưởng Sử học ra đời, bắt đầu từ hôm nay, ngày 20 tháng 5 năm 2009, Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật mở một blog với tên gọi là “PHẠM THẬN DUẬT, MỘT NHÂN CÁCH LỚN” (và cũng là tên một cuốn sách đã xuất bản năm 2005) để lần lượt giới thiệu với các độc giả trên mạng biết về Quỹ này và Giải thưởng mang tên danh nhân Phạm Thận Duật.

Blog này cũng sẽ giới thiệu một số hoạt động về dòng họ Phạm, những tư liệu lịch sử có liên quan và cũng dành riêng một góc thơ văn.

Các mục của Blog : 1. Giới thiệu,

2. Tư liệu về danh nhân,

3. Hồ sơ tiến sĩ đoạt giải,

4. Báo chí nói về Quỹ và Giải

5. Tin tức hoạt động

6. Dòng họ

7. Tư liệu lịch sử

8. Góc thơ văn

Xin hãy vào blog: http://phamthanduat.blogspot.com/

Trân trọng.

QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

free counters