Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

ĐẠO THẦY TRÒ CỦA PHẠM THẬN DUẬT QUA BÀI VĂN VIẾNG PHẠM NGHĨA TRAI TIÊN SINH

(TƯ LIỆU DANH NHÂN)
Trong văn hoá Phương Đông, nhất là trong Nho học, Khổng tử đã đặt vị trí người thầy dạy học rất cao. Nền giáo dục phong kiến xưa lấy “Tam cương, Ngũ thường”, làm phương châm chủ đạo cho đạo lý làm người. Trong 3 nhân vật Quân, Sư, Phụ, người thầy (Sư) đứng hàng thứ hai sau vua (Quân) và trên cả cha mẹ đẻ ra mình (Phụ). Bởi lẽ, chế độ giáo dục ngày xưa là chế độ giáo dục đào tạo ra con người có khí tiết, có đạo đức, có nhân cách, có tri thức xã hội. Vì vậy nền giáo dục ấy coi công ơn của người thày có công dậy dỗ và đào tạo kẻ học nên người lớn hơn cả công ơn cha mẹ có công sinh thành ra họ.
Phạm Thận Duật được học tập trong một nền giáo dục như thế. Ông đã qua nhiều thầy học. Bắt đầu là thầy Vũ Phạm Khải ở thôn bên, dạy ông khi ông lên 9 tuổi . Dạy được 7 ngày, Vũ Phạm Khải phải lên đường vào kinh nhậm chức thì Phạm Thận Duật đến học người cậu ruột là Nguyễn Hữu Văn. Sau đó theo học thầy đồ Phạm Tư Tề là người làng, ra Xuân Trường (Nam Định) mở trường dạy học. Sau bốn năm, ông quay về học Lục Khê cư sĩ Phạm Đức Diệu, người Nộn Khê cùng huyện Yên Mô, sau này trở thành nhạc phụ của ông. Lục Khê cư sĩ nhận thấy nhiều phẩm chất tốt đẹp ở người học trò nghèo này, nên đã đưa ụng đến nhờ người bạn thân là Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, người Nam Định khi ấy vừa cáo quan về quê mở trường day học, để dạy dỗ.
Phạm Văn Nghị, người làng Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1838 đã từng làm Tri phủ Lý Nhân, Biên tu Sử quán, rồi không thiết công danh, cáo bệnh từ quan về mở trường dạy học. Trường Tam Đăng lúc bấy giờ là một trung tâm giáo dục nổi tiếng ở vùng Nam Hạ. Học trò từ khắp mọi nơi nô nức tìm đến học. Cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh gia đình và yêu quý cậu học trò nhiều đức tính tốt, cho nên Phạm Văn Nghị không những chí tình dạy bảo mà còn nuôi dưỡng cho ăn học ở ngay trong nhà, đồng thời làm bầu bạn thân thiết với người con trai cả của thầy là Phạm Đăng Giảng.
Sau nhiều năm đèn sách ở trường Tam Đăng Phạm Văn Nghị, người học trò nghèo Phạm Thận Duật đã được ảnh hưởng sâu đậm ở thầy về trí tuệ và đạo đức, về khuynh hướng tư tưởng cũng như lẽ sống. Chính vì vậy, Phạm Thận Duật có ân tình sâu nặng với người thầy đã hết lòng dạy dỗ cho ông nên người, làm nên sự nghiệp. Đạo lý thánh hiền đã hun đúc nên một con người cho dù làm quan to trong triều,vẫn không quên nghĩa thầy trò. Nhất là đối với Phạm Văn Nghị, người thầy đã tạo dựng nên cuộc đời ông, ông coi như cha nuôi, cha đẻ tinh thần. Với vợ thầy, ông tôn làm mẹ đẻ, với con thầy ông coi như ruột thịt.
Năm 1875, khi Phạm Văn Nghị 70 tuổi được về hưu, Phạm Thận Duật cũng đã có bài mừng thầy Phạm Tam Đăng, trong đó có đoạn như sau : “…Thầy ta nhà nghèo ra làm quan, già vẫn kiên cường, chưa hề một ngày lãng quên triều đình, đất nước. Năm ngoái, giặc Pháp ngang ngược kéo đến, trận đánh ở Độc Bộ, một mình trơ trọi, không sao chống nổi. Thế mà thầy tỏ ra nghĩa khí sáng ngời, quân giặc khiếp sợ …”
Năm 1881, nghe tin Thầy Tam Đăng Phạm Văn Nghị mất, Phạm Thận Duật khi đó đang làm Thượng thư Bộ Hình được cử thay mặt toàn thể học sinh của Phạm Văn Nghị đang làm quan trong triều, làm bài văn viếng gửi về viếng thầy. Bài văn đó biểu lộ tấm lòng tôn sư trong đạo của những con người trọng nghĩa kính thầy. Bài văn viếng chứa chan tình cảm, nghẹn ngào xúc động. Nỗi day dứt của Phạm Thận Duật là vì công việc bận rộn, lệ định chặt chẽ, cho nên bản thân không thể trực tiếp hầu hạ tang lễ. Pháp công là trọng, niềm tây đành phải nén. Thầy mất mà không về chịu tang được, ông buồn về nỗi buồn không tròn đạo lý của mình . Ông viết: “Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể thờ thầy như cha”. Song ông còn đau nỗi đau mà ông than thở: “Đang lúc sông nước ngày một cạn xuống, phong hội ngày càng ngả chiều, đạo ta cùng với dị đoan tranh sáng tối, trời sao nỡ cướp tiên sinh đi vội!”.
Đoạn cuối bài văn viếng thầy Nghĩa Trai, Phạm Thận Duật đó phải thốt lên :”Tuy tiên sinh mất rồi, song cái điều không bao giờ mất là cái chí khí “hạo nhiên” vẫn cùng với non Côi, bể Nha , động Liên Hoa mãi mãi bất hủ. Người đời nay, người mai sau nghe thấy phong độ của tiên sinh ai mà chẳng kính mộ, ai mà chẳng noi theo, như thế thì tiên sinh chưa phải là mất, có gì phải đau thương? Than ôi! Học trò cũng như con, vậy mà thầy ốm chúng con chẳng được hầu thuốc, thầy mất chúng con chẳng có thư thăm hỏi, lúc chôn cất chúng con chẳng được tiếng khóc đưa. Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể coi thầy như cha. Đau xót thay, khóc mà viết”.
Đó là đoạn kết thống thiết bài văn viếng khi thầy mất của người học trò Phạm Thận Duật khi đang là Thượng thư Bộ Hình trong triều đình Tự Đức.
Bài văn viếng như sau :
VĂN VIẾNG PHẠM NGHĨA TRAI TIÊN SINH
(Nguyễn Văn Huyền dịch)
Tiên sinh Phạm Nghĩa Trai quy tiờn, hai tháng sau tin buồn vào đến Kinh, bọn học trò chúng con nghe thấy mà lòng đau xót.
Ôi! Bầu chính khí trong trời đất, ở người ta là “khí hạo nhiên”, chẳng vì sống mới tồn tại, chẳng vì chết mà mất đi, vậy thì có gì phải buồn thương?
Có điều, sự sống của tiên sinh rất hệ trọng cho thế đạo, vậy mà tiên sinh mất đi, lũ học trò chúng con sao mà không thổn thức khóc lóc?
Thương ôi! Khí thiêng của non Côi, bể Nha hội lại mà sinh ra tiên sinh. Tiên sinh đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất , làm quan chưa được mười năm, cáo bệnh về dạy học, người bốn phương cắp sách đến học kể có hàng nghìn. Quan Hữu tư dâng biểu tiến cử tiên sinh giữ chức Đốc học ở tỉnh . Gặp khi nước nhà lâm sự, tiên sinh khẳng khái lấy việc chống giặc làm trách nhiệm của mình. Dẫn quân vào Trà Sơn , đánh giặc ở Độc Bộ , chí tuy chưa đạt mà lời đồn đại về ông Phạm lẫm liệt không ai dám phạm. Nhà vua đã đăt bút khen rằng : “khi gặp việc có tinh thần phấn đấu”. Lại rằng: “Học hạnh tiết nghĩa, làm khuôn mẫu cho sĩ phu”. Khí tiết trung nghĩa của tiên sinh lúc bình sinh, trên chín bệ đã nghe thấy, trong thiên hạ đó truyền tụng, không phải là bọn học trò chúng con nói tốt lên đâu.
Đến khi việc nước tạm ổn, tiên sinh về động Liên Hoa , dưỡng lão ở Hồ Sơn, tuyệt nhiện không nói đến việc binh nữa, dường như quên hết thế sự, chí của tiờn sinh cũng thực là khổ vậy.
Thương ôi! Tiên sinh quyết chết cho điều trung từ lâu rồi , vì quyết chết cho điều trung cho nên trời lại cho thọ. Việc biên cương lại dâng biểu , cành quế họ Đậu thơm lừng, vinh hiển phũc trạch dồn cả vào một nhà. Đến như tuổi thọ của tiên sinh thật không thể lường được.
Trước đây, anh Cả được nguyên tập giữ chức Bố chính tỉnh Thanh, lúc ấy tiên sinh tròn 70 tuổi, anh Cả định xin phép về cùng anh Hai là Cử nhân Lạc Thiện và các em, dâng chén mừng thọ tiên sinh. Tiên sinh ngăn lại, dạy rằng: không nên, đã dấn thân vì nghĩa chung thì chớ nặng tình riêng, nhà ta cách tỉnh đường Thanh Hoá không xa, khi nào thư thả về thăm ta không muộn.
Mùa xuân năm ngoái, anh Ba , anh Năm vừa đỗ cử nhân, vào triều thi Hội, tiên sinh đi cùng với các anh, đột nhiên bị ốm. Anh Cả cùng với hai anh Cử đưa tiên sinh về nhà, từ đó tiên sinh cứ thiêm thiếp trên giường bệnh, rồi đột nhiên đi hẳn. Ai ngờ chuyện đi chơi tỉnh Thanh này lại là kỳ vĩnh biệt.
Tuy tiên sinh mất rồi, song cái điều không bao giờ mất là cái chí khí “hạo nhiên” vẫn cùng với non Côi, bể Nha, động Liên Hoa mãi mãi bất hủ. Người đời nay, người mai sau nghe thấy phong độ của tiên sinh ai mà chẳng kính mộ, ai mà chẳng noi theo, như thế thì tiên sinh chưa phải là mất, có gì phải đau thương?
Than ôi! Học trò cũng như con, vậy mà thầy ốm chúng con chẳng được hầu thuốc, thầy mất chúng con chẳng có thư thăm hỏi,lúc chôn cất chúng con chẳng được tiếng khóc đưa. Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể coi thầy như cha. Đau xót thay, khóc mà viết.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

BÀI THƠ NÔM DUY NHẤT CỦA PHẠM THẬN DUẬT

Trong Quan Thành văn tập, tập thơ văn của Phạm Thận Duật để lại cho đời sau chỉ có 12 bài thơ chữ Hán, còn lại là các loại văn như văn tế, văn bia, biểu, tấu nhưng thế mạnh nhất của ông là câu đối (110 câu đối). Nhưng trong Vọng Sơn niên phả (cuốn phả nói về cuộc đời Phạm Thận Duật) có để lại bài thơ nôm duy nhất của ông (sau này trong bản dịch Quan Thành văn tập có đưa thêm vào)
Bài thơ nôm duy nhất đó là bài Vịnh cái nồi đồng. Đó là một bài thơ “ngôn chí” mượn ngoại vật để nói nội tâm. Bài thơ như sau :
Ngoài sao cạnh góc cũng như trong,
Ai tạo ra ngươi có ý không?
Mấy chước điều canh cùng một dạ,
Nhiều phen đổ nước chẳng hai lòng.
Lửa hun không đỏ tin rằng rắn,
Khói ám sao xanh ngỡ có rồng.
Lem luốc mấy phen đành chịu vậy,
Một mai đánh nữa lại nên đồng.
Nhà thơ Trần Lê Văn khi còn sinh thời đã nói về thơ văn Phạm Thận Duật như sau :
“Phạm Thận Duật là một sĩ phu yêu nước có tầm vóc trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nổi nhất là lĩnh vực văn hóa. Riêng về thơ, những thi phẩm còn lại cũng mang một phong cách riêng, một dấu ấn riêng. Đó là phong cách của một nhà nho nhập thế, dấn thân vào việc nước, việc đời, với ý thức canh cánh bên lòng lo sao làm tròn phận sự. Thơ ông không có khí vị siêu thoát của Lão Trang mà có ý tình phác thực của một môn đồ Khổng Mạnh.
Bài thơ nôm duy nhất còn lại của ông nhan đề là Vịnh cái nồi đồng có những câu then chốt :
Mấy chước điều canh cùng một dạ,
Nhiều phen đổ nước chẳng hai lòng.
Và : Lem luốc mấy phen đành chịu vậy,
Một mai đánh nữa lại nên đồng.
Mượn điển cố “điều canh” trong văn liệu xưa với nghĩa đen là người lo nội trợ tra mắm muối vào nồi canh sao cho vừa phải và nghĩa bóng là quan tể tưởng điều hành việc nước sao cho đúng đắn, nhà thơ họ Phạm nêu một nguyên tắc cơ bản của những người mang trọng trách với đất nước cũng giống như việc “điều canh”, không thể tùy tiện.
Đọc câu “....Đổ nước chẳng hai lòng”, chúng ta đều thấy rõ ngụ ý nhắc nhở sự nhất tâm trung thành với đât nước.
Tác giả cũng bộc lộ một chút ai cảm về những nỗi gian nan trong cảnh ngộ mà bản thân mình đã trải qua “Lem luốc mấy phen....” và khẳng định phẩm chất của mình trước sau đồng vẫn là đồng....”

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

CÁC TÁC PHẨM CỦA PHẠM THẬN DUẬT ĐỂ LẠI CHO ĐỜI SAU

TƯ LIỆU DANH NHÂN


Trong suốt hơn 35 năm (1851 -1885) làm việc vì dân vì nước, Phạm Thận Duật đã để lại cho đời sau những tác phẩm sau đây :

1.HƯNG HOÁ KÝ LƯỢC.

Tác phẩm Hưng Hoá ký lược là một tập địa chí viết về tỉnh Hưng Hoá thời bấy giờ, tác phẩm được viết bằng chữ Hán (khoảng 42.000 chữ) vào năm Bính Thìn 1856, khi tác giả mới ngoài ba mươi tuổi, một năm sau khi ông nhận chức Tri châu Tuần Giáo.
Hưng Hóa là tên một đạo trong 13 đạo thừa tuyên lập ra từ niên hiệu Quang Thuận của vua Lê Thánh Tông, đến đầu thời Nguyễn (Minh Mệnh 12 tức năm 1831) là một tỉnh gồm 3 phủ, 5 huyện và 16 châu, với địa vực khá rộng, phía đông liền với huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao tỉnh Sơn Tây (lúc đó); phía tây tiếp giáp các huyện Kiến Thủy, Văn Sơn, phủ Khai Hoá nước Thanh (Trung Quốc) và các nước Nam Chưởng, Xa Lí; phía nam giáp huyện Trình Cố, châu Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá và huyện Lạc Yên, tỉnh Ninh Bình; phía bắc tiếp Châu Thu, tỉnh Tuyên Quang.
Sách Hưng Hóa ký lược gồm 12 mục, trình bày các phương diện lịch sử, địa lí, kinh tế và văn hoá của tỉnh Hưng Hóa thời bấy giờ. Hiện nay thư viên Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hai bản sách Hưng Hoá ký lược. Bản có ký hiệu A.91, là bản chép tay khổ 15 x 29cm gồm 74 tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 25 chữ gồm 7 để mục và bản có ký hiệu A.1429, cũng là sách chép tay khổ 15 x 27cm gồm 134 tờ, tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 29 chữ, có đủ 12 đề mục về địa chí Hưng Hoá. Ngoài ra tại thư viện Viên Sử học có một bản mang kí hiệu HV.205, bản mà nhà thư tịch học Trần Văn Giáp đã lược thuật trong tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm nổi tiếng của mình. Hưng Hoá Ký lược (bản A. 1429 và A.91) đã được dịch giả Ngô Thế Long dịch và đã đăng trong Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000.

2. HÀ ĐÊ TẤU TẬP:

Đó là những tác phẩm do Phạm Thận Duật viết dưới hình thức bản tấu trình lên Nhà Vua và triều đình trong thời gian ông làm quan ở Bắc Ninh và chủ yếu là trong thời gian ông nhậm chức Khâm sai Hà đê sứ, phụ trách trị thuỷ 6 tỉnh vùng Tả ngạn sông Hồng (1876 – 1878). Những tác phẩm về đê điều của Phạm Thận Duật gồm 49 bản tấu hiện nay còn lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nằm trong các tập Hà đê tấu tập Hà đê tấu tư tập, Hà đê bộ văn tập và điểu trần đê chính sự nghi tập. Trong những tập sách này, có tập viết chung với những người khác. Tuy nhiên có một số bản tấu khác của ông còn nằm rải rác ở một số nơi như trong Châu bản Triều Nguyễn...mà nay chưa tập hợp được.
Bản Hà đê tấu tập lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.616, khổ 21 x 31 cm dày 398 trang, có 8 bản tấu.

3. HÀ ĐÊ TẤU TƯ TẬP :

Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.619,khổ giấy 21 x 31cm, 199 tờ, có 9 bản tấu.

4. HÀ ĐÊ BỘ VĂN TẬP :

Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu A.617, khổ 21 x 31cm, dày 318trang có 1 bản tấu.

5. ĐIỀU TRẦN ĐÊ CHÍNH SỰ NGHI TẬP :

Có lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu VHv: 169/1-2 dày 300 trang, khổ 17 x 30cm, có 1 bản tấu
Tất cả 19 bản tấu ghi trong các sách kể trên đã được các dịch giả Phạm Văn Thắm, Hoàng Lê, Nguyễn Hữu Tưởng dịch chung trong Hà đê tấu tâp (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) được đưa vào trong Phạm Thận Duật toàn tập do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.

6.VÃNG SỨ THIÊN TÂN NHẬT KÝ.

Vãng sứ Thiên Tân nhật ký (Nhật ký đi sứ Thiên Tân) là một tác phẩm được Phạm Thận Duật viết vào năm 1883 trong khi ông lãnh nhiệm vụ Chánh sứ sang Thiên Tân (Trung Quốc). Hiện nay ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn hai bản chữ Hán có cùng một nội dung, cùng khổ giấy 20cm x 30cm, mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng 18 chữ đều là bản sao, nhưng có khác nhau đôi chút :
- Bản Vãng sứ Thiên Tân nhật ký có ký hiệu A1471, gồm 56 tờ, trong đó nội dung chính có 45 tờ, không có bản đồ. Hiện nay bản này đã được dịch in trong Phạm Thận Duật toàn tập do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
- Bản Kiến Phúc nguyên niên Như Thanh nhật trình, ký hiệu A.929 có 63 tờ. Nội dung chính có 52 tờ trong đó có 3 bản đồ sơ lược về Thiên Tân, Thượng Hải và Hương Cảng. Phần cuối còn có mục Trung triều đinh chế, ghi chép các định chế của triều Thanh, Trung Quốc.
Sách Vãng sứ Thiên tân nhật ký đã được dịch giả Phạm Văn Thắm dịch dựa theo bản A.1471 là chính (có đối chiếu với bản A.929) và đã được đưa vào sách Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.

7. QUAN THÀNH VĂN TẬP :

Đây là tập thơ văn của Phạm Thận Duật, bao gồm cả thơ, (12 bài), văn (42 bài bao gồm cả văn, văn tế, văn bia, tấu, biểu...) và nhiều nhất là câu đối (110 câu đối). Các tác phẩm được viết rải rác trong suốt cuộc đời của ông từ khi 16 tuổi (bài thơ Vịnh cái nồi đồng) đến khi qua đời.
Sách Quan Thành văn tập hiện còn lưu giữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.1095, dày 126 tờ khổ 15x26cm. Quan Thành văn tập đã được dịch trọn bộ đăng trong cuốn Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Tư liệu danh nhân

CÁC TÁC PHẨM VỀ PHẠM THẬN DUẬT
ĐÃ ĐƯỢC XUẤT BẢN

1. Phạm Thận Duật - Cuộc đời và tác phẩm.
Tác phẩm do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền sưu tầm và biên soạn với sự tham gia dịch thuật của Hoàng Lê, Ngô Thế Long, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Hữu Tưởng và do Gs Nguyễn Hồng Phong, Viện trưởng Viện Sử học viết lời giới thiệu; Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1989.
Phạm Thận Duật-Cuộc đời và tác phẩm là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc, là tác phẩm mở đầu trong việc nghiên cứu và tìm hiểu nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật. Cuốn sách ra đời như một phát súng thần công nổ phát đầu tiên cho cả một trận tuyến nghiên cứu về Phạm Thận Duật nói riêng và các nhân vật lịch sử dưới triều Nguyễn nói chung. Sách chia làm 3 phần : Phần 1 nói về Bước đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Phạm Thận Duật, phần 2 nói về các tác phẩm của danh nhân và phần 3 là phần phụ lục cung cấp thêm những tư liệu có liên quan đến danh nhân.
Sách in khổ 13 x 19cm dày 436 trang in với số lượng 820 cuốn.
2. Về con người và sự nghiệp Phạm Thận Duật.
Về con người và sự nghiệp Phạm Thận Duật là một tập hợp những bài viết, bài nói về danh nhân Phạm Thận Duật do Phạm Đình Nhân (bút danh Phạm Hưng An) và Nguyễn Quang Ân sưu tầm và biên soạn. Sách gồm 2 phần, phần đầu gồm 14 bài viết của các tác giả viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1993 và phần hai gồm các tư liệu như tập Vọng Sơn niên phả và Niên biểu về Phạm Thận Duật. Sách được in khổ 14,5 x 20,5cm, dày 128 trang do Phòng Tư liệu Viên Sử học ấn hành năm 1994.
3. Phạm Thận Duật-Sự nghiệp văn hoá, sứ mệnh Cần vương.
Cuốn Phạm Thận Duật-Sự nghiệp văn hoá, sứ mệnh Cần Vương là cuốn kỷ yếu về đợt Lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật. Sách gồm các bài viết, bài phát biểu trong Lễ tưởng niệm danh nhân ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, Lễ Khánh thành Nhà bia tưởng niệm danh nhân và những tham luận tại Hội nghị khoa học về danh nhân tổ chức tại Ninh Bình, quê hương danh nhân. Sách gồm 3 phần : Phần 1 gồm những bài phát biểu tại các buổi lễ. Phần 2 gồm những tham luận gửi tới và đọc tại Hội nghị khoa học về danh nhân và Phần 3 là phần Phụ lục gồm một số bài đăng trên các báo chí nhân dịp lễ kỷ niệm và một số tư liệu bổ sung về phong trào Cần Vương cùng các tư liệu khác về Phạm Thận Duật.
Sách do Phạm Đình Nhân và Nguyễn Quang Ân sưu tầm và biên soạn, Gs,NGND Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu và do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1997 in khổ 14,5 x 20,5, dày 400 trang, số lượng in 500 cuốn.
4. Sóng trào non Bảng.
Sóng trào non Bảng là một tập truyện ký về danh nhân Phạm Thận Duật do nhà nghiên cứu văn hoá, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết; Gs.NGND Đinh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam viết lời giới thiệu và được Nhà xuất bản Văn họcẵuats bản năm 2000, nhân Lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân. Tác giả Vũ Ngọc Khánh đã dựng lại toàn bộ cuộc đời Phạm Thận Duật từ thuở hàn vi nhà nghèo nhưng chịu khó cần cù học tập qua toàn bộ những năm tháng làm việc vì dân vì nước cho đến cái chết bi phẫn của ông trên biển cả trên đường bị thực dân Pháp đưa đi đầy từ Côn Đảo tới đảo Tahiti.
Lời kết của cuốn truyện ký là một áng văn hùng hồn và cảm thông sâu sắc với một con người đã suốt đời hiến thân mình cho non sông đất nước.
Sóng trào non Bảng in khổ 14,5 x 20,5cm, dày 204 trang, số lượng in 500 cuốn.
5. Phạm Thận Duật toàn tập.
Đây là một tập sách dày biên soạn công phu nhằm giới thiệu các tác phẩm bằng chữ Hán của Phạm Thận Duật gồm các cuốn Hưng Hoá ký lược, Hà đê tấu tập, Vãng sứ Thiên tân nhật ký và Quan Thành văn tập. Các tác phẩm này đều được dịch và có in kèm ở cuối sách nguyên văn bản chữ Hán được sao chụp.
Sách gồm 3 phần : Phần 1 giới thiệu Thân thế và sự nghiêp Phạm Thận Duật và niên biểu danh nhân. Phần 2 giới thiệu các tác phẩm của Phạm Thận Duật. Ở mỗi tác phẩm của danh nhân đều được giới thiệu bản dịch và một công trình nghiên cứu của các Giáo sư, nhà nghiên cứu nói về giá trị của các tác phẩm của danh nhân để lại. Phần thứ 3 có các bản sao chụp nguyên văn chữ Hán của các tác phẩm của danh nhân..
Sách do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn với sự cộng tác phần dịch thuật của Nguyễn Văn Huyền, Ngô Thế Long, Hoàng Lê, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Hữu Tưởng, Phạm Đức Duật. Sách còn có sự tham gia viết bài của các giáo sư và nhà nghiên cứu : Gs.Phan Văn Các, Gs.Trần Nghĩa và Ks.Phan Khánh nhằm đánh giá các giá trị của tác phẩm danh nhân để lại. Giáo sư Đình Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam viết lời giới thiệu
Sách được in nhân lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân, khổ 16 x 24cm, dày 840 trang, được in với số lượng 500 cuốn do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
6. Phạm Thận Duật, một nhân cách lớn.
Phạm Thận Duật, một nhân cách lớn là một công trình xuất bản nhân kỷ niệm 120 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật. Cuốn sách được tập hợp toàn bộ những bài phát biểu, những bài viết, bài nói và những công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá, của các giáo sư, tiến sĩ nói về Phạm Thận Duật qua các buổi lễ, hội thảo khoa học về danh nhân. Sách cũng có một phần dành riêng cho những bài viết về Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được thành lập từ năm 2000 để phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tặng Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cho các tiến sĩ sử học xuất sắc trong cả nước..
Sách gồm 4 phần. Phần 1 dành cho những công trình nghiên cứu về Phạm thận Duật từ năm 1989 đến 1995 gồm 18 bài viết. Phần 2 dành cho những công trình nghiên cứu về Phạm Thận Duật nhân lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất danh nhân (29.11.1885 – 29.11.1995) gồm 59 bài viết. Phần 3 dành cho những bài phát biểu và bài viết nhân lễ kỷ niệm 115 năm ngày mất danh nhân (29.11.1885 – 29.11.2000) gồm 11 bài. Phần 4 dành cho những bài viết về Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật gôm 16 bài. Tổng cộng sách có 84 bài viết trong khoảng thời gian từ 1989 đến 2004.
Sách do Gs Đinh Xuân Lâm và Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn với Lời giới thiệu của Gs. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Sách được in nhân lễ kỷ niệm 120 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật, do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2005, khổ 16 x 24cm, dày 508 trang, in với số lượng 500 cuốn.

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

TIN TỨC HOẠT ĐỘNG

CHUẨN BỊ CHO LỄ KỶ NIỆM 10 NĂM GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

Năm nay Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật bước sang năm thứ 10 cùng với 10 năm hoạt động của Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật. Ngày 29.11.2009 sắp tới sẽ là dịp kỷ niệm kỷ niệm 10 năm Giải thưởng cùng với lễ tưởng niệm nhân 124 năm ngày mất của danh nhân và lễ trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 10.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã có cuộc họp liên tịch bàn về chương trình lễ kỷ niệm năm nay. Dự cuộc họp về phía Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có các vị : Gs, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam; Gs.NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Xét thưởng Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam; Nhà sử học Hoàng Phương Trang, Chánh văn phòng Hội KHLS Việt Nam. Về phía Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật có các vị : Ks. Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ và Nhà báo Trịnh Thị Liên, Phó chủ tịch Quỹ.
Cuộc họp đã bàn thống nhất chương trình và nội dung buổi lễ ngày 29.11.2009 năm nay tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám gồm các lễ : Lễ dâng hương tưởng niệm các bậc tiên hiền và danh nhân Phạm Thận Duât, Lễ kỷ niệm 10 năm Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật và 10 năm thành lập Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, Lễ trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 10-năm 2009.
Ngoài các quan khách, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá, giới sử học và bà con họ Phạm, Ban Tổ chức có kế hoạch mời toàn bộ 44 tiến sĩ sử học đã được trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật những năm trước về dự lễ và dự kiến buổi chiều 29.11 sau buổi lễ, chương trình dành cho các tiến sĩ giải thưởng sử học Phạm Thận Duật sinh hoạt chung trong khuôn khổ Câu lạc bộ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duât. Ngày 30.11 có chương trình tổ chức một cuộc hành hương về thăm quê hương danh nhân và dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm danh nhân ở thôn Yên Mô thượng, xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình. Chương trình Lễ năm nay còn phát hành cuốn Kỷ yếu 10 năm Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, nhằm giới thiệu những vấn đề liên quan đến Giải thưởng và giới thiệu toàn bộ các gương mặt của các tiến sĩ đã được trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật trong 10 năm qua. Tạp chí Xưa&Nay sẽ dành một số trang nói về Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật trong dịp kỷ niệm này.
free counters