Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

BÁO CHÍ VIẾT VỀ QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

TẠP CHÍ HUẾ XƯA & NAY :
PHẠM THẬN DUẬT
VÀ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC MANG TÊN ÔNG(*)
Phạm Thận Duật (1825-1885) hiệu là Vọng Sơn, tên chữ là Quan Thành, người làng Yên Mô thượng, xã Yên Mạc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, vốn là học trò của các cụ Vũ Phạm Khải, Phạm Văn Nghị. Ông nổi tiếng là người chịu khó học tập, đỗ Cử nhân trường Nam Định năm 1850 và ra làm quan.
Từ năm 1851, buổi đầu hoạn lộ, theo chính sách lưu quan của triều đình nhà Nguyễn, ông được cử làm Giáo thụ phủ Đoan Hùng, năm 1855 được thăng làm Tri châu Tuần Giáo. Từ năm 1857, ông có quãng đời 20 năm liền làm quan ở tỉnh Bắc Ninh từ chức Tri huyện Quế Dương cho đến Bang biện tỉnh vụ kiêm Đồn điền sứ, án sát, Bố chính, Tuần phủ. ở xứ Bắc, tuy chưa phải trực tiếp đương đầu với thực dân Pháp, song từ một quan văn, ông đã phải kiêm làm tướng võ, bao quát mọi mặt từ chính trị đến kinh tế, từ luật pháp đến quân sự. Năm 1876, ông được điều về kinh thành Huế làm Tả Tham tri Bộ Lại kiêm Phó Đô ngự sử, rồi trở ra Bắc làm Khâm sai Hà đê sứ phụ trách trị thủy sáu tỉnh tả ngạn sông Hồng. Cuối năm 1878, ông trở về Kinh đảm nhiệm chức Thượng thư Bộ Hình sung Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc Tử giám, nắm giữ việc hình luật, viết sử và dạy học trong Kinh. Năm 1879, ông được cử làm Đại thần Viện Cơ mật.
Năm 1882, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc ở Thiên Tân. Về nước năm 1883, theo sự sắp xếp của phái chủ chiến, ông được cử làm Thượng thư Bộ Hộ, trong khi vẫn giữ nguyên chức vụ cũ ở Sử quán, Quốc Tử giám và Viện Cơ mật. Năm 1884 được thăng Hiệp biện Đại học sĩ kiêm Công bộ Tả Tham tri. Năm 1885, trong cao trào Cần Vương chống Pháp, ông đã cùng Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị), thảo Hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên đánh Pháp khôi phục độc lập dân tộc. Việc không thành, Phạm Thận Duật cùng hai người con là Phạm Luyện và Phạm Cận bị Pháp bắt ở thôn Hà Trung, Quảng Trị. Thực dân Pháp đã đưa cả ba phụ tá chủ chốt của vua Hàm Nghi và phái chủ chiến (ông cùng Tôn Thất Đính tù thay cho con là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường) đày ra Côn Lôn, sau đó đưa đi đày biệt xứ tận đảo Tahiti. Trên đường đi ở địa phận Mã Lai, do lâm bệnh nặng, ông hy sinh ngày 29.11.1885. Thi hài ông bị kẻ thù ném xuống biển.
Phạm Thận Duật không chỉ là nhà yêu nước, một vị quan thanh liêm, nhà chính trị, một nghĩa sĩ Cần Vương mà còn là nhà văn hóa, giáo dục, kinh tế, thủy lợi, quân sự, ngoại giao có tài thao lược. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị như Hưng Hóa ký lược, Quan Thành văn tập, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Quan Thành tấu tập và nhiều tác phẩm trong các tập Hà đê tấu tập, Hà đê tấu tư tập. Đặc biệt vể mặt sử học, từng làm Phó Tổng tài Quốc sử quán, nên ông chính là người hiệu đính và kiểm duyệt lần cuối bộ quốc sử lớn, bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Đây là bộ sử đồ sộ, gồm 53 quyển (khoảng trên 50 vạn chữ Hán). Nhận xét về tài năng sử học của ông, Tự Đức việt :”Cứ xem các bản sớ tấu đủ biết y (chỉ Phạm Thận Duật) thường lưu tâm điển xưa tích cũ, tất là thấy rộng nghe xa” và ủy thác cho ông trọng trách lớn này. Vậy mà đáng tiếc, cuộc đời và sự nghiệp của “vị quan thanh liêm , một nhà chính trị vì nước, vì dân” (lời PGS.TS Trần Đức Cường, Viện trưởng Viện Sử học) ấy, suốt 100 năm qua, hầu như không được lịch sử nhắc đến. Hơn thế nữa, còn có những ý kiến khác nhau về ông, xuất phát từ việc chính ông là người năm 1884 đã thay mặt triều đình Huế ký điều ước Giáp Thân, hay còn gọi là điều ước Patenôtre. Phân tích hoàn cảnh lịch sử hồi đó, GS Đinh Xuân Lâm cho rằng :”Quân Pháp đang đánh chiếm khắp nơi, họa mất nước có thể xảy ra ngày một, ngày hai. Phạm Thận Duật ngay từ đầu đã dứt khoát đứng về phe chủ chiến, nhưng cần thêm thời gian để nuôi dưỡng sức lực. Chính trong những ngày ký Điều ước Giáp Thân, ông đã đồng thời cho xây dựng những đồn phòng thủ dọc đường biền giới phía Tây, chuẩn bị khi cần, triều đình Huế có thể rút ra xây dựng thành căn cứ địa cho một cuộc kháng chiến mà ông biết nhất định sẽ xảy ra...Bi kịch của ông chính là bi kịch của đất nước.” Sách Đại Nam thực lục đã 61 lần nhắc đến tên ông. Tiếc rằng phải trải qua một thời gian khá dài tấn kịch của cuộc đời Phạm Thận Duật mới được làm sáng tỏ.
Năm 1898, cuốn Phạm Thận Duật-Cuộc đời và tác phẩm của nhà nghiên cứu văn học và sử học Nguyễn Văn Huyền ra mắt bạn đọc. Lần đầu tiên, sự nghiệp yêu nước chống Pháp của ông đã được khẳng định. Cuốn sách trên và hàng loạt bài viết của nhiểu nhà sử học đã làm rõ thêm cuộc đời của một nhân vật lịch sử đã từng bị quên lãng. Những nhận định và đánh giá của các nhà sử học đã chứng minh vai trò và sự đóng góp của ông trong nửa cuối thế kỷ XIX. Trong lời tựa cuốn sách trên, GS Nguyễn Hồng Phong đã viết :”...Sự nghiệp của Phạm Thận Duật thật là toàn diện. Những ông quan thanh liêm trong chế độ quân chủ Việt Nam ngày xưa không phải là huyền thoại, là cổ tích mà là một truyền thống đẹp của người trí thức Việt Nam được đào tạo theo Nho giáo. Và kết thúc cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Thận Duật thật là trọn vẹn : một nhà yêu nước chống ngoại xâm kiên quyết và hy sinh trên đường bị đi đày, nấm mồ của ông là biển cả”. Sau đó, mãi đến năm 1995, mới có một cuộc hội thảo khoa học đầu tiên về Phạm Thận Duật. Năm 2000, kỷ niệm 115 năm ngày mất của ông, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đúc một tượng đồng của ông và trao tặng Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam ấn hành Phạm Thận Duật toàn tập dày 837 trang, trường tiểu học Yên Mạc ở tỉnh Ninh Bình đổi tên thành trường Phạm Thận Duật.
Cũng trong năm 2000, để ghi nhớ công ơn của danh nhân và khuyến khích việc học tập, nghiên cứu và giáo dục lịch sử, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và hậu duệ đời thứ 5 của ông là Kỹ sư Phạm Đình Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam đã có sáng kiến thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật bằng nguồn vốn gia đình đóng góp để trao giải thưởng hàng năm cho những công trình sử học có giá trị, trước mắt là những luận án tiến sĩ sử học đã được bảo vệ xuất sắc tại các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước trong thời gian từ 1 tháng 10 năm trước đến 30 tháng 9 năm sau trên pham vi toàn quốc. Giải thưởng này được các cơ sở đào tạo giới thiệu và được Hội đồng xét thưởng của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng đề nghị. Lễ trao giải thưởng được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử giám vào ngày 29 tháng 11 hàng năm nhân ngày giỗ của danh nhân. Từ đó đến nay, Quỹ đã ba lần trao giải thưởng cho 20 luận án tiến sĩ xuất sắc. Mỗi giải được cấp bằng chứng nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật kèm theo tiền thưởng : giải nhì mỗi giải 3 triệu đồng, giải ba mỗi giải 2 triệu đồng. Trong đó, năm 2000 có 3 giải nhì, 3 giải ba. Năm 2001 có 2 giải nhì, 4 giải ba. Năm 2002 có 4 giải nhì, 4 giải ba. Qua 3 năm chưa có giải nhất nào được trao. Nói về việc này, ông Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ cho biết : ”Đến nay, chưa có công trình nào được chọn để trao giải nhất cũng do uy tín của danh nhân đã vượt lên tầm quốc tế. Vì vậy, giải nhất phải thực sự xứng đáng, có đóng góp lớn cho sử học để khi các sử gia nước ngoài có tìm đến với giải thưởng thì cũng là tìm đến với công trình khoa học có tầm cỡ của Việt Nam”. Đây chính là một mô hình khuyến học, một giải thưởng kịp thời cho giới sử học Việt Nam, là nguồn động viên và là niềm tự hào của các tiến sĩ sử học..
CÔNG HẬU - QUANG ANH

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009

BÁO CHÍ VIẾT VỀ QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

BÁO TUỔI TRẺ :
MỘT GIẢI THƯỞNG KỊP THỜI
CHO GIỚI SỬ HỌC VIỆT NAM

Vậy là kể từ ngày 29.11.2000 này, lần đầu tiên giới sử học nước nhà đã có một giải thưởng hàng năm và duy nhất cho đến nay của riêng mình : Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật (Nhà sử học cuối thế kỷ XIX, người đã viết và chỉ đạo việc biên soạn nhiều cuốn quốc sử của nước Việt Nam thời phong kiến), dành cho những luận án Tiến sĩ sử học xuất sắc nhất trong năm với số tiền thưởng hàng năm lên tới 20 triệu đồng.
Giải thưởng này ra đời có lẽ không chỉ làm giới sử học trong nước vui mừng mà còn làm cho tất cả những người quan tâm đến truyền thống, đến văn hóa nước nhà mừng rỡ. Bởi đã từ lâu rồi người ta lo lắng cho việc nhiều học sinh trung học phổ thông không hề biết Quang Trung, Lê Lợi là ai; hay có cô người đẹp thi ứng xử lại cho rằng các nữ anh hùng dân tộc của Việt Nam là bà Trưng, bà Triệu và....hai bà Trưng” (!); học sinh thi Đường lên đỉnh Olympia lại không thể nói tên bài quốc ca nước nhà; rằng nhiều học sinh Việt Nam không thuộc sử nước nhà bằng sử Trung Hoa; ngày trung thu rặt thích hóa trang thành Hoàn Châu cách cách; hay các cháu bé đến lớp mà ăn nói hệt như triều đình Mãn Thanh....mà không hề biết chúng ta có một nền lịch sử hào hùng chẳng kém người bạn láng giềng. Thế nhưng giải quyết vấn đề lớn lao này bằng cách nào lại chẳng ai rõ bởi ở Việt Nam, học sinh học lịch sử chủ yếu từ trường học mà ở đây lịch sử chi được coi là một môn phụ.
Tất nhiên tình thế trên sẽ không thể thay đổi một sớm một chiều chỉ bằng giài thưởng này, với 20 triệu đồng sẽ phải chia năm sẻ bảy và có nhiều luận án Tiến sĩ xuất sắc chưa chắc đồng nghĩa với sự gia tăng trình độ sử học của số đông người Việt Nam. Nhưng điều đáng nói ở chỗ người sáng lập Quỹ giải thưởng này không phải là Nhà nước hay một tổ chức xã hội mà chỉ là các cá nhân : ông Phạm Đình Nhân, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đại diện cho các hậu duệ của dòng họ Phạm, đã bỏ tiền túi ra để sáng lập nên giải thưởng này, trong khi chính Hội Khoa học lịch sử lại chưa có giải thưởng của mình bởi một lý do “muôn năm cũ” là chưa được Nhà nước tài trợ!
Thế nhưng đã có người đầu tiên sẽ có những người tiếp tục, tức là ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với lịch sử nước nhà và truyền thụ cho lớp trẻ.
LAN ANH
free counters