Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

CÁC TÁC PHẨM CỦA PHẠM THẬN DUẬT ĐỂ LẠI CHO ĐỜI SAU

(TƯ LIỆU DANH NHÂN)
Trong suốt hơn 35 năm (1851 -1885) làm việc vì dân vì nước, Phạm Thận Duật đã để lại cho đời sau những tác phẩm sau :
1. HƯNG HOÁ KÝ LƯỢC :
Tác phẩm Hưng Hoá ký lược là một tập địa chí viết về tỉnh Hưng Hoá thời bấy giờ, tác phẩm được viết bằng chữ Hán (khoảng 42.000 chữ) vào năm Bính Thìn 1856, khi tác giả mới ngoài ba mươi tuổi, một năm sau khi ông nhận chức Tri châu Tuần Giáo.
Hưng Hóa là tên một đạo trong 13 đạo thừa tuyên lập ra từ niên hiệu Quang Thuận của vua Lê Thánh Tông, đến đầu thời Nguyễn (Minh Mệnh 12 tức năm 1831) là một tỉnh gồm 3 phủ, 5 huyện và 16 châu, với địa vực khá rộng, phía đông liền với huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao tỉnh Sơn Tây (lúc đó); phía tây tiếp giáp các huyện Kiến Thủy, Văn Sơn, phủ Khai Hoá nước Thanh (Trung Quốc) và các nước Nam Chưởng, Xa Lí; phía nam giáp huyện Trình Cố, châu Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá và huyện Lạc Yên, tỉnh Ninh Bình; phía bắc tiếp Châu Thu, tỉnh Tuyên Quang.
Sách Hưng Hóa ký lược gồm 12 mục, trình bày về các phương diện lịch sử, địa lí, kinh tế và văn hoá của tỉnh Hưng Hóa thời bấy giờ. Hiện nay thư viên Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hai bản sách Hưng Hoá ký lược. Bản có ký hiệu A.91, là bản chép tay khổ 15 x 29cm gồm 74 tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 25 chữ gồm 7 đề mục và bản có ký hiệu A.1429, cũng là sách chép tay khổ 15 x 27cm gồm 134 tờ, tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 29 chữ, có đủ 12 đề mục về địa chí Hưng Hoá. Ngoài ra tại thư viện Viên Sử học có một bản mang kí hiệu HV.205, bản mà nhà thư tịch học Trần Văn Giáp đã lược thuật trong tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm nổi tiếng của mình. Hưng Hoá ký lược (bản A. 1429 và A.91) đã được dịch giả Ngô Thế Long dịch và đã đăng trong Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000
2. HÀ ĐÊ TẤU TẬP:
Đó là những tác phẩm do Phạm Thận Duật viết dưới hình thức bản tấu trình lên Nhà Vua và triều đình trong thời gian ông làm quan ở Bắc Ninh và chủ yếu là trong thời gian ông nhậm chức Khâm sai Hà đê sứ, phụ trách trị thuỷ 6 tỉnh vùng Tả ngạn sông Hồng (1876 – 1878). Những tác phẩm về đê điều của Phạm Thận Duật gồm 49 bản tấu hiện nay còn lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nằm trong các tập Hà đê tấu tập, Hà đê tấu tư tập, Hà đê bộ văn tập và Điểu trần đê chính sự nghi tập. Trong những tập sách này, có tập viết chung với những người khác. Tuy nhiên có một số bản tấu khác của ông còn nằm rải rác ở một số nơi như trong Châu bản Triều Nguyễn...mà nay chưa tập hợp được.
Bản Hà đê tấu tập :
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.616, khổ 21 x 31 cm dày 398 trang, có 8 bản tấu.
3. HÀ ĐÊ TÁU TƯ TẬP :
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.619,khổ giấy 21 x 31cm, 199 tờ, có 9 bản tấu.
4. HÀ ĐÊ BỘ VĂN TẬP:
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu A.617, khổ 21 x 31cm, dày 318 trang có 1 bản tấu.
5. ĐIỀU TRẦN ĐÊ CHÍNH SỰ NGHI TẬP:
Có lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu VHv: 169/1-2 dày 300 trang, khổ 17 x 30cm, có 1 bản tấu
Tất cả 19 bản tấu ghi trong các sách kể trên đã được các dịch giả Phạm Văn Thắm, Hoàng Lê, Nguyễn Hữu Tưởng dịch chung trong Hà đê tấu tâp (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) được đưa vào trong Phạm Thận Duật toàn tập do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000
6.VÃNG SƯA THIÊN TÂN NHẬT KÝ :
Vãng sứ Thiên Tân nhật ký (Nhật ký đi sứ Thiên Tân) là một tác phẩm được Phạm Thận Duật viết vào năm 1883 trong khi ông lãnh nhiệm vụ Chánh sứ sang Thiên Tân (Trung Quốc). Hiện nay ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn hai bản chữ Hán có cùng một nội dung, cùng khổ giấy 20cm x 30cm, mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng 18 chữ đều là bản sao, nhưng có khác nhau đôi chút :
- Bản Vãng sứ Thiên Tân nhật ký có ký hiệu A1471, gồm 56 tờ, trong đó nội dung chính có 45 tờ, không có bản đồ. Hiện nay bản này đã được dịch in trong Phạm Thận Duật toàn tập do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
- Bản Kiến Phúc nguyên niên Như Thanh nhật trình, ký hiệu A.929 có 63 tờ. Nội dung chính có 52 tờ trong đó có 3 bản đồ sơ lược về Thiên Tân, Thượng Hải và Hương Cảng. Phần cuối còn có mục Trung triều định chế, ghi chép các định chế của triều Thanh, Trung Quốc.
Sách Vãng sứ Thiên tân nhật ký đã được dịch giả Phạm Văn Thắm dịch dựa theo bản A.1471 là chính (có đối chiếu với bản A.929) và đã được đưa vào sách Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
7. QUAN THÀNH VẮN TẬP :
Đây là tập thơ văn của Phạm Thận Duật, bao gồm cả thơ, (12 bài), văn (42 bài bao gồm cả văn, văn tế, văn bia, tấu, biểu...) và nhiều nhất là câu đối (110 câu đối). Các tác phẩm được viết rải rác trong suốt cuộc đời của ông từ khi 16 tuổi đến khi qua đời. Riêng bài thơ “Vịnh cái nồi đồng” có trong Vọng sơn niên phổ cũng được đưa vào bản dịch Quan Thành văn tập
Sách Quan Thành văn tập hiện còn lưu giữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.1095, dày 126 tờ khổ 15x26cm. Quan Thành văn tập đã được dịch trọn bộ đăng trong cuốn Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

QUỸ GIẢI THƯỞNG PHẠM THẬN DUẬT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHÁM BỆNH, PHÁT THUỐC, PHÁT QUÀ CHO ĐỒNG BÀO NGHÈO VÀ GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH

(Tin tức hoạt động)

Ngày 25.10.2009, tại xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật đã phối hợp với Hội Tấm Lòng Nhân Ái thực hiên Chương trình khám bệnh, phát thuốc, phát quà cho đồng bào nghèo và gia đình chính sách trong xã.
Trước đó, ngày 6.9.2009, Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật đã cùng với Hội Tấm Lòng Nhân Ái tổ chức Chương trình khám bệnh, phát thuốc, phát quà cho đồng bào nghèo và gia đình liệt sĩ ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, quê hương của danh nhân Phạm Thận Duât.

Để chuẩn bị cho Chương trình khám bệnh và phát thuốc, phát quà tại xã Quang Phục, Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật đã thông qua Đại đức Thích Từ Sơn, vị tăng trụ trì chùa Đống Duyên thuộc thôn Thái An xã Quang Phục để gặp gỡ với các vị đại diện Đảng uỷ và chính quyền xã làm việc và ấn định kế hoạch chi tiết cho Chương trình. Các vị lãnh đạo ở xã đã vui mừng đón nhận chương trinh và đã tạo điều kiện để Quỹ Phạm Thận Duật và Hội Tấm Lòng Nhân Ái tổ chức một đoàn 40 người gồm có các y bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên và các thiện nguyện viên là những Phật tử. Quỹ Phạm Thận Duật đã tài trợ cho chương trình này để khám và phát thuốc cho trên 350 đồng bào nghèo là các cụ cao tuổi, người bị bệnh mãn tính và các gia đình thuộc diện chính sách trong xã. Quỹ còn tặng quà cho 45 đồng bào nghèo và gia đình chính sách trong xã. Mỗi xuất quà bao gồm một chăn nỉ xuất khẩu, một màn tuyn và một áo phông với giá trị 150.000 đ/xuất.

Đúng 9 giờ sáng ông Phó Chủ tịch xã phát biểu trước đông đảo bà con trong xã và Đoàn từ thiện, cảm ơn Đoàn đã dành cho xã Quang Phục chương trình khám bệnh, phát thuốc, phát quà ngày hôm nay. Ông Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ Phạm Thận Duật, đơn vị tài trợ đã phát biểu trước bà con trong xã, nói lên niềm hạnh phúc của tất cả các thành viên trong Đoàn được đem tâm làm việc thiện với tinh thần coi những người được mình giúp đỡ là ân nhân của chính mình. Bác sĩ Trần Bảo Khánh phụ trách Hội Tấm Lòng Nhân Ái đã phổ biến quy trình khám bệnh cho bà con . Tất cả chỉ diễn ra trong 10 phút và sau đó chương trình được tiến hành ngay.

Tuy số lượng đồng bào nghèo đến khám bệnh đông hơn những chương trình trước, nhưng các bác sĩ, dược sĩ, thiện nguyện viên đã làm việc hết mình để chương trình diễn ra trọn vẹn, kịp khám cho tất cả số lượng bà con đã đến. Chương trình đã phải kéo đến 13 giờ 15 mới xong. Tuy bữa trưa phải ăn muộn hơn gần 2 tiếng đồng hồ song tất cả thành viên trong Đoàn đều rất vui mừng được phục vụ bà con nghèo với tâm nguyện được làm việc thiện. Đoàn được Nhà sư Thích Từ Sơn, trụ trì chùa Đống Duyên mời cơm chay thân mật. Thật là một ngày Chủ nhật được sống trong niềm hân hoan vì đã làm được việc tốt.

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT LẦN THỨ 10

(TIN TỨC HOẠT ĐỘNG)

Chiều ngày 17.10.2009, tại Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Xét Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã họp để xét chọn và xếp thứ hạng các Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 10 năm 2009. Những luận án Tiến sĩ sử học được gửi lên Hội đồng xét Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật là những luận án đã được bảo vệ với số điểm xuất sắc 7/7 và 6/7 tại các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước trong thời gian từ 1.10.1008 đến 30.09.2009.
Tham dự Hội đồng có đầy đủ 5 thành viên Hội đồng theo Quyết định số 10/QĐ/HSH ngày 15.10.2009 của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Hội đồng làm việc dưới sự chủ toạ của Gs, NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, Chủ tịch Hội đồng Xét giải. Các thành viên chính thức của Hội đồng gồm có : PGs, Ts Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng và các uỷ viên gồm Gs Lê Mậu Hãn; PGs, TSKH Nguyễn Hải Kế và PGs, Ts Lê Đình Sỹ. Tham dự Hội đồng còn có Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam; Ks Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật; Nhà báo Trịnh Thị Liên, Phó Chủ tịch Quỹ và Nhà sử học Hoàng Phương Trang, Chánh văn phòng Hội KHLS Việt Nam.
Sau khi trao đổi, xem xét và đánh giá các luận án tiến sĩ được đề cử năm nay, Hội đồng đã nhất trí bỏ phiếu lựa chọn các luận án tiến sĩ được giải thưởng sau đây :
Giải Nhất : Không có
Giải Nhì : 03 giải gồm :
1. Luận án “Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ XX” của Tiến sĩ TRẦN THIỆN THANH, Phó chủ nhiệm Khoa Sử, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
Cơ sở đào tạo : Khoa Sử, Đại học kHXH&NV Hà Nội
2. Luận án “ Hồ Chí Minh với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1946-1969)” của Tiến sĩ VĂN THỊ THANH MAI, Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Cơ sở đào tạo : Khoa Sử, Đại học KHXH&NV Hà Nội
3. Luận án “Các thủ phủ thời chúa Nguyễn (1558-1775) trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế” của Tiến sĩ PHAN THANH HẢI, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Cơ sở đào tạo Viện Sử học Việt Nam
Giải Ba : 02 giải gồm :
1. Luận án “Thành Tây Đô và vùng đất Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) từ cuối thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XIX” của Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THUÝ, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hoá.
Cơ sở đào tạo : Khoa Sử Đại học Sư phạm Hà Nội
2. Luận án “Đảng lãnh đạo sự nghiệp giáo dục đại học ở miền Bắc (1954-1975” của Tiến sĩ NGÔ VĂN HÀ, Phó Chủ nhiệm Khoa Mác-Lê Nin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Cơ sỏ đào tạo : Khoa Sử, Đại học KHXH&NV Hà Nội
Biên bản họp Hội đồng Xét thưởng Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã được các vị : Gs Đinh Xuân Lâm, Nsh Dương Trung Quốc và Ks Phạm Đình Nhân ký và lưu tại Hội KHLSVN và Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.
Như vậy qua 10 năm, Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã trao cho 49 Tiến sĩ sử học, trong đó có 2 giải Nhất (năm 2006 và 2008), 22 giải Nhì và 25 giải Ba. Và cũng trong 10 năm trao giải đã có 2 Tiến sĩ người nước ngoài được nhận giải (Lào và Hàn Quốc)
Lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật sẽ được tổ chức tạiVăn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 29.11.2009 nhân ngày giỗ lần thứ 124 của danh nhân Phạm Thận Duật và cũng nhân kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, 10 năm thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Ban Tổ chức Lễ đang chuẩn bị cuốn “Kỷ yếu 10 năm Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và 10 năm thành lập Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật” làm tài liệu cho buổi Lễ.
Sau Lễ Kỷ niệm và trao giải vào buổi sáng 29.11.2009, buổi chiều Câu lạc bộ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật sinh hoạt và ngày 30.11.2009, các Tiến sĩ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật có chuyến hành hương về thăm quê hương của danh nhân tại thôn Yên Mô thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÃ VÀ ĐANG THỰC HIỆN CỦA QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT

(NHÂN KỶ NIỆM 10 NĂM GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT VÀ 10 NĂM THÀNH LẬP QUỸ GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT)

1. Mười năm liền, Qũy đã phối hợp cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức xét thưởng và trao 44 Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho các tiến sĩ sử học đã bảo vệ xuất sắc tại các Hôi đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước (từ 2000 đến nay).
2. Thông qua Hội Phụ nữ Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Quỹ đã tài trợ nuôi dưỡng cho 2 học sinh nghèo tàn tật trong nhiều năm liền (từ năm 2002)
3. Kết hợp với Hội đồng Thi đua và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình tổ chức trao Giải thưởng và học bổng cho các em học sinh đoạt Giải Nhất các môn học trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; Giải Nhất, Nhì, Ba các môn học trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia và các kỳ thi Olympic Quốc tế của các trường THPT và THCS trong huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, quê hương của danh nhân Phạm Thận Duật (năm 2003)
4. Thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao động của Báo Lao động, Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật gửi tặng quà gồm sách cho các thư viện tỉnh và vở học sinh cho các em học sinh nghèo ở các tỉnh bị bão lụt. (năm 2003)
5. Trao giải thưởng và học bổng cho các em học sinh giỏi đạt Huy chương vàng trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, và các học sinh xuất sắc của từng khối lớp của Trường Tiểu học Phạm Thận Duật, xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình (từ năm 2007)
6. Trao tặng sách thiếu nhi cho Thư viện Trường Tiểu học Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Hà Nội (2009)
7. Góp phần tài trợ cùng với Hội Sự nghiệp Từ Thiện Minh Đức xây dựng một ngôi nhà Hiền đức (nhà tình nghĩa) cho người nghèo và một cây cầu bê tông cho một xã thuôc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (2008-2009)
8. Phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng viên của Hội Tấm lòng Nhân ái, Quỹ đã tổ chức và tài trợ cho Chương trình Khám bệnh, phát thuốc và phát quà cho đồng bào nghèo và gia đình liệt sĩ ở xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình, quê hương danh nhân Phạm Thận Duật (tháng 9.2009) và góp phần tham gia tài trợ cho các Chương trình Khám bệnh, phát thuốc, phá quà cho đồng bào nghèo và các gia đình chính sách ở một số xã của các địa phương khác trong đó có Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên v.v....(trong các năm 2008-2009).
9. Tổ chức và tài trợ cho Chương trình Phát quà Trung thu cho các bệnh nhân ung thư ở Cơ sở 2 Bệnh viện K Hà Nội (tháng 9.2009)
10. Tổ chức Chương trình và góp phần tài trợ cho Chương trình cứu trợ đồng bào bị bão lụt ở hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị do cơn bão số 9 gây ra ở các tỉnh miền Trung.(tháng 10.2009)
free counters