Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

CÁC TÁC PHẨM CỦA PHẠM THẬN DUẬT ĐỂ LẠI CHO ĐỜI SAU

(TƯ LIỆU DANH NHÂN)
Trong suốt hơn 35 năm (1851 -1885) làm việc vì dân vì nước, Phạm Thận Duật đã để lại cho đời sau những tác phẩm sau :
1. HƯNG HOÁ KÝ LƯỢC :
Tác phẩm Hưng Hoá ký lược là một tập địa chí viết về tỉnh Hưng Hoá thời bấy giờ, tác phẩm được viết bằng chữ Hán (khoảng 42.000 chữ) vào năm Bính Thìn 1856, khi tác giả mới ngoài ba mươi tuổi, một năm sau khi ông nhận chức Tri châu Tuần Giáo.
Hưng Hóa là tên một đạo trong 13 đạo thừa tuyên lập ra từ niên hiệu Quang Thuận của vua Lê Thánh Tông, đến đầu thời Nguyễn (Minh Mệnh 12 tức năm 1831) là một tỉnh gồm 3 phủ, 5 huyện và 16 châu, với địa vực khá rộng, phía đông liền với huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao tỉnh Sơn Tây (lúc đó); phía tây tiếp giáp các huyện Kiến Thủy, Văn Sơn, phủ Khai Hoá nước Thanh (Trung Quốc) và các nước Nam Chưởng, Xa Lí; phía nam giáp huyện Trình Cố, châu Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá và huyện Lạc Yên, tỉnh Ninh Bình; phía bắc tiếp Châu Thu, tỉnh Tuyên Quang.
Sách Hưng Hóa ký lược gồm 12 mục, trình bày về các phương diện lịch sử, địa lí, kinh tế và văn hoá của tỉnh Hưng Hóa thời bấy giờ. Hiện nay thư viên Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hai bản sách Hưng Hoá ký lược. Bản có ký hiệu A.91, là bản chép tay khổ 15 x 29cm gồm 74 tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 25 chữ gồm 7 đề mục và bản có ký hiệu A.1429, cũng là sách chép tay khổ 15 x 27cm gồm 134 tờ, tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 29 chữ, có đủ 12 đề mục về địa chí Hưng Hoá. Ngoài ra tại thư viện Viên Sử học có một bản mang kí hiệu HV.205, bản mà nhà thư tịch học Trần Văn Giáp đã lược thuật trong tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm nổi tiếng của mình. Hưng Hoá ký lược (bản A. 1429 và A.91) đã được dịch giả Ngô Thế Long dịch và đã đăng trong Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000
2. HÀ ĐÊ TẤU TẬP:
Đó là những tác phẩm do Phạm Thận Duật viết dưới hình thức bản tấu trình lên Nhà Vua và triều đình trong thời gian ông làm quan ở Bắc Ninh và chủ yếu là trong thời gian ông nhậm chức Khâm sai Hà đê sứ, phụ trách trị thuỷ 6 tỉnh vùng Tả ngạn sông Hồng (1876 – 1878). Những tác phẩm về đê điều của Phạm Thận Duật gồm 49 bản tấu hiện nay còn lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nằm trong các tập Hà đê tấu tập, Hà đê tấu tư tập, Hà đê bộ văn tập và Điểu trần đê chính sự nghi tập. Trong những tập sách này, có tập viết chung với những người khác. Tuy nhiên có một số bản tấu khác của ông còn nằm rải rác ở một số nơi như trong Châu bản Triều Nguyễn...mà nay chưa tập hợp được.
Bản Hà đê tấu tập :
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.616, khổ 21 x 31 cm dày 398 trang, có 8 bản tấu.
3. HÀ ĐÊ TÁU TƯ TẬP :
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.619,khổ giấy 21 x 31cm, 199 tờ, có 9 bản tấu.
4. HÀ ĐÊ BỘ VĂN TẬP:
Sách lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu A.617, khổ 21 x 31cm, dày 318 trang có 1 bản tấu.
5. ĐIỀU TRẦN ĐÊ CHÍNH SỰ NGHI TẬP:
Có lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu VHv: 169/1-2 dày 300 trang, khổ 17 x 30cm, có 1 bản tấu
Tất cả 19 bản tấu ghi trong các sách kể trên đã được các dịch giả Phạm Văn Thắm, Hoàng Lê, Nguyễn Hữu Tưởng dịch chung trong Hà đê tấu tâp (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) được đưa vào trong Phạm Thận Duật toàn tập do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000
6.VÃNG SƯA THIÊN TÂN NHẬT KÝ :
Vãng sứ Thiên Tân nhật ký (Nhật ký đi sứ Thiên Tân) là một tác phẩm được Phạm Thận Duật viết vào năm 1883 trong khi ông lãnh nhiệm vụ Chánh sứ sang Thiên Tân (Trung Quốc). Hiện nay ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn hai bản chữ Hán có cùng một nội dung, cùng khổ giấy 20cm x 30cm, mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng 18 chữ đều là bản sao, nhưng có khác nhau đôi chút :
- Bản Vãng sứ Thiên Tân nhật ký có ký hiệu A1471, gồm 56 tờ, trong đó nội dung chính có 45 tờ, không có bản đồ. Hiện nay bản này đã được dịch in trong Phạm Thận Duật toàn tập do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
- Bản Kiến Phúc nguyên niên Như Thanh nhật trình, ký hiệu A.929 có 63 tờ. Nội dung chính có 52 tờ trong đó có 3 bản đồ sơ lược về Thiên Tân, Thượng Hải và Hương Cảng. Phần cuối còn có mục Trung triều định chế, ghi chép các định chế của triều Thanh, Trung Quốc.
Sách Vãng sứ Thiên tân nhật ký đã được dịch giả Phạm Văn Thắm dịch dựa theo bản A.1471 là chính (có đối chiếu với bản A.929) và đã được đưa vào sách Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2000.
7. QUAN THÀNH VẮN TẬP :
Đây là tập thơ văn của Phạm Thận Duật, bao gồm cả thơ, (12 bài), văn (42 bài bao gồm cả văn, văn tế, văn bia, tấu, biểu...) và nhiều nhất là câu đối (110 câu đối). Các tác phẩm được viết rải rác trong suốt cuộc đời của ông từ khi 16 tuổi đến khi qua đời. Riêng bài thơ “Vịnh cái nồi đồng” có trong Vọng sơn niên phổ cũng được đưa vào bản dịch Quan Thành văn tập
Sách Quan Thành văn tập hiện còn lưu giữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu A.1095, dày 126 tờ khổ 15x26cm. Quan Thành văn tập đã được dịch trọn bộ đăng trong cuốn Phạm Thận Duật toàn tập (có kèm theo bản sao chụp nguyên văn chữ Hán) do Phạm Đình Nhân sưu tầm và biên soạn, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

free counters