Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

HỌ PHẠM NHÀN NGU VÀ PHẠM THẬN DUẬT VỚI TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA QUÊ NHÀ

NHÂN KỶ NIỆM LẦN THỨ 124 NGÀY MẤT DANH NHÂN PHẠM THẬN DUẬT
(29.11.1885 – 29.11.2009)


“Hiền tài là nguyên khí của Nhà nước”(1). Việc khơi dậy truyền thống hiếu học và sự dạy dỗ của gia đình, của dòng họ là một nhân tố quan trọng, nếu không nói là quyết định đối với sự nghiệp chăm lo đào tạo nhân tài.

Làng Yên Mô (nay là xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) nơi mà ông tổ Nhàn Ngu của dòng họ Phạm đến cư trú từ thế kỷ 15 là một vùng đất giàu văn hiến. Xưa kia vùng đất này nằm trên vụng biển Thần Phù nổi tiếng dữ dội và đã từng đi vào lịch sử với hai câu:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm

Làng Yên Mô có hòn núi đá Vọng Sơn, tục gọi là núi Bảng hay núi Dắng, một ngọn núi đá vôi ở phía cuối dãy Tam Điệp của dãy Trường Sơn và hai dòng sông Trinh, sông Càn bao bọc. Về mặt lịch sử, đây là mảnh ®Êt đau thương đã từng bị quân Mạc, quân Trịnh bừa đi bừa lại suốt nửa sau thế kỷ XVI. Đất Yên Mô này, trước có tên là Mô Độ, là nơi cư trú đầu tiên của những người định cư từ nhiều nơi đến gồm có nhiều họ như họ Phạm, họ Phan, họ Nguyễn, họ Ngô, họ Vũ, họ Mai, họ Lê, họ Đỗ, có lẽ trước cả khi Giản Định Đế nhà Hậu Trần năm 1407 lên ngôi ở đây chiêu mộ quân tướng chống đánh giặc Minh. Thời Minh thống trị đổi tên là Yên Mô và đất này ắt phải là mảnh đất văn hiến và trù phú hàng đầu mới có tên làng cũng trùng với tên tổng và tên huyện Yên Mô của tỉnh Ninh Bình.

Trên mảnh đất này, dòng họ Phạm Nhµn Ngu từ bao thế kỷ nay có số nhân khẩu trong họ thường chiếm trên nửa số cư dân trong làng nên được suy tôn là họ Đại Phạm. Các đời nối tiếp ®Òu có các bậc khoa cử và đến đời thứ 10 thì xuất hiện một danh nhân. Đó là Phạm Thận Duật một nhân vật lịch sử đã sinh ra cách đây 184 năm và mất cách đây 124 năm.N¨m 1995, nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cùng với Viện Sử học Việt Nam và Hội khoa hoc Lịch sử Việt Nam đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm dưới tiêu đề: “Phạm Thận Duật, nhà yêu nước, nhà văn hóa, người góp phần khởi động phong trào Cần vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX”.
Ông là biểu tượng cho truyền thống hiếu học ở quê tôi và là kết quả của một sự giáo dục nghiêm khắc trong gia đình và dòng họ Phạm.

MỘT VÙNG QUÊ GIÀU TINH THẦN HIẾU HỌC :

Xét về mặt lịch sử thì phải sau khi có con đê Hồng Đức (đắp năm 1475) thì đời sống cư dân nơi đây mới trù phú, phát triển cả về kinh tế và văn hóa. Chỉ riêng một làng Yên Mô vào thời Lê, khi đó còn bao gồm cả thôn Côi Trì (nay thuộc về xã Yên Mỹ) cũng đã có những nhà khoa bảng lớn như Hoàng giáp Ninh Địch (khoa Mậu Tuất 1718), Tiến sĩ Hội nguyên Thượng thư Ninh Tốn (khoa Mậu Tuất 1778). Sau này Côi Trì tách ra khỏi làng Yên Mô nhưng vẫn ở trong tổng Yên Mô, thời Nguyễn, có Phó bảng Nguyễn Tuyên, Cử nhân Nguyên Khôi. ë Phượng Trì làng dưới cùng thuộc tổng Yên Mô (nay cũng thuộc xã Yên Mạc) cũng có hương cống tức Cử nhân Phạm Bao thời Lê, thời Nguyễn có Cử nhân Vũ Phạm Khải và dòng họ Đại Phạm đất Yên Mô có Thượng thư Phạm Thận Duật, Hiệp biện Đại học sĩ, Cơ mật viện Đại thần.

Tấm bia Yên Mô sơn xuyên nhân vật bi ký do Phạm Thận Duật viết, đặt ở miếu thờ Thành hoàng làng năm 1870 nay không còn nữa, nhưng bài văn bia còn lưu lại được trong Quan Thành văn tập, một trong những tác phẩm của Phạm Thận Duật(1) là bài văn bia nói về sông núi và nhân vật đất Yên Mô, về những văn quan, võ quan đầu tiên của làng trong thời chúa Trịnh đánh nhà Mạc ở vùng này giữa thế kỷ 16, như Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc đồng tri Lê Các lão, như Hàn lâm triều liệt Đại phu Phạm Nguyên Lãng, Thập lý hầu Phạm Phúc Kỳ và Hậu Trai tiên sinh Vũ Bá Hoàn người đã từng thụ giáo trường Quốc Tử Giám năm ¢t Dậu 1765 thời Lê Cảnh Hưng là người có học vấn uyên thâm, nổi tiếng một thời ở đất này.

Ngoài ra còn có tấm bia Yên Mô lịch khoa hương tiên sinh ghi rõ tên họ, khoa thi của 56 vị trong làng đã trải qua các kỳ khoa bảng cho đến cuối đời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786). Tấm bia này mới tìm thấy được năm 1989, hiện đang dựng t¹i sân trường tiểu học Ph¹m ThËn DuËt xã Yên Mạc (tên của Yên Mô từ 1946). Ngôi trường này xây trên nền khu Văn Từ cũ, nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên nho hàng huyện. Tấm bia đó do chính Phạm Thận Duật viết, là bằng chứng, là di tích lịch sử văn hóa còn lại của đất Yên Mô nói đến nền văn hiến đất này.

Trong Quan Thành văn tập còn ghi lại toàn văn một số tấm bia đặt trong những đền, chùa, miếu mạo, đình làng của đất này. Những tấm bia “thần đàn”, “thần tích” đó phản ánh đời sống văn hóa tâm linh, không khí văn hiến, lòng hiếu học của nhân dân địa phương. Trong các nội dung văn bia còn để lại (tuy hầu hết các bia đá không còn nữa do chiến tranh tàn phá) cho biết : để khuyến khích sự học tập của con em, làng Yên Mô thuở ấy có định ra một tục lệ khuyến học là giành sáu mẫu ruộng học điền hàng năm lấy hoa lợi làm phần thưởng cho nho sinh nào học giỏi trong làng. Hàng năm làng tổ chức thi khảo, chọn ra những người học giỏi, xếp theo thứ bậc.

Yên Mô là một vùng quê trù mật, đồng xanh lúa tốt hai vụ chiêm mùa, trên dòng sông thuyền bè đi lại ngược xuôi, phố quê tấp nập. Và có biết bao đền chùa, miếu mạo, những ngôi đền khang trang, rộng rãi có thể chứa cả hai, ba lớp học mà thời đầu kháng chiến chống Pháp, trường Thành Chung Nam Định tức là trường trung học Nguyễn Khuyến đã tản cư về đây sử dụng. Èn dưới những cây cổ thụ xum xuê rợp bóng, những ngôi đền tĩnh lặng, sáng loáng những bức hoành phi, câu đối cùng những tấm bia đá dày đặc chữ Hán đứng trầm mặc, chứng kiến sự đổi thế xoay vần của lịch sử, chứng kiến truyền thống hiếu học của cư dân. Tất cả những công trình văn hóa ấy đã bị chiến tranh tàn phá, san phẳng cùng với tâm linh khát vọng học hành của dân làng. Nhưng tận cho đến ngày nay vẫn có người còn thuộc một số câu đối đặt ở Văn Từ nơi thâm nghiêm thờ phụng các bậc tiên nho mà bất cứ kẻ sĩ nào bước vào cũng phải lặng nhìn, lặng đọc.

Trong Quan Thành văn tập còn lưu lại được bài văn bia do Phạm Thận Duật viết và được khắc đá đặt ở Văn Từ khi hàng huyện trùng tu lần cuối vào năm 1867. Bài văn bia đó có tên là Bản huyện từ chí nêu rõ: Nơi đây trước kia chỉ là Văn chỉ hàng tổng mà sau này vì Yên Mô là đất đầu huyện nên chuyển thành Văn Từ của hàng huyện. Qua bài văn bia, người ta thấy người xưa làm Văn Từ không phải là chỉ để thờ phụng các bậc tiên nho mà chính còn là chốn tâm linh, là một công trình văn hóa để bảo tồn, duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của cư dân với khát vọng học để hành, tu rèn để nhập thế. Vì vậy, ta thấy ông có câu: “Việc thờ cúng thánh hiền quý ở việc làm. Cái học của thánh hiền, văn là ngũ kinh, hành là ngũ luân, điều này đã được ghi tường tận ở bia Văn Từ hàng phủ. Các vị trong hội ta nên tham khảo mà cố gắng làm theo”.

Tất cả những điều nói ở trên chỉ để khẳng định mảnh đất này, một vùng sơn thanh thủy tú đã từng có một không khí văn hiến, có cái truyền thống nối đời học đạo, góp phần hun đúc nên những phẩm chất, những nhân cách tốt đẹp của nhân tài.

Ngay trong dòng họ Phạm sinh ra Phạm Thận Duật thì bao đời trước đã có nhiều người đạt học vị sinh đồ (tức tú tài). Trong “Phạm tộc phổ ký” còn giữ lại được, có nêu nhiều tên tuổi các đời đỗ tường sinh hay sinh đồ đời Lê, tú tài đời Nguyễn. Các cụ tiên tổ họ Phạm bốn đời liền trước đời Phạm Thận Duật, từ người cha là cụ Kép Tuyển đỗ hai khoa tú tài tính trở lên đều là những bậc khoa cử, nhưng học vị đó dù là hai khoa tú tài cũng không đủ để bổ một chức quan trong ngạch bậc quan trường nên thường chỉ ở nhà làm thầy đồ dạy học cho con cháu được nhiều chữ, nuôi dưỡng lòng hiếu học cho con cháu vươn lên sau này.

Mãi đến thế kỷ thứ XIX, Phạm Thận Duật, người cháu đời thứ mười của dòng họ đại Phạm mới thừa hưởng được kết quả hun đúc từ bao đời. Ông sinh ra trong hoàn cảnh nghèo vì cha mất sớm khi mới lên chín, nhờ bà mẹ tần tảo quan năm với gánh hàng xén đi khắp các chợ ở vùng quê quanh đó để nuôi con ăn học.

Trong Vọng Sơn niên phổ, một trong những cuốn phả của dòng họ Phạm nói về cụ Tổ Vọng Sơn(1) có đoạn nói về ông: “Cơm mỗi ngày một bữa, mỗi bữa một bát, mỗi năm chỉ có một cái quần và một cái áo. Thế mà trong cảnh đói rét vẫn phấn khởi. Lúc lớn lên càng ham học quá. Muốn học mà không có tiền mua sách, phải đi mượn để chép mà học. Câu văn đoạn chữ coi quý như vàng, như ngọc. Học rất chăm chỉ: tối không có tiền mua dầu, phải đốt nén hương để soi mà học. Mỗi khi có việc đi đâu, vừa đi vừa học ôn các bài học trước, đi mỗi dặm đường học tới bốn, năm chục trang, thường khi đụng phải người ta mà cũng không biết”.

Trong các thầy học của ông, từ người thày khai tâm Vũ Phạm Khải dạy được bảy ngày thì lên đường vào Kinh nhậm chức, đến người cậu là thầy đồ Hòa Lạc Nguyễn Hữu Văn dạy ở trường làng, thầy đồ người làng là Phạm Tư Tề ngồi dạy học ở phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định và thày Lục Khê cư sĩ Phạm Đức Diệu ở Nộn Khê mà sau này trở thành nhạc phụ của ông, thì phải nói rằng Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, người làng Tam Đăng (Nam Định) một sĩ phu yêu nước nổi tiếng đất Sơn Nam là người thầy đã có nhiều công nhất dìu dắt dạy dỗ và hun đúc cho thư sinh Phạm Thận Duật trở nên người sau này đạt đến Nhất phẩm triều đình. Bởi lẽ ngay từ đầu, khi Lục Khê cư sĩ dẫn Phạm Thận Duật đến xin học, ông đã phát hiện ngay lòng hiếu học, tính nghiêm túc mẫn tiệp, cần cù khổ học của nho sinh họ Phạm nên không những chí tình dạy bảo mà còn nuôi dưỡng cho ăn học ở ngay trong nhà. Cái khí chất của người học trò ấy, năm năm sau đã biến thành cụ thể: Ông đỗ cử nhân trường Nam khoa Canh Tuất năm 1850, thứ 27, cuối bảng Giáp. Dù cuối bảng, nhưng cái ý chí quyết học hành nhập thế đã biểu lộ trong hai câu đối ứng tác của ông:

“Điên chi, đảo chi, quán quần anh chi thủ,
Chí hĩ, tận hĩ, cận thiên tử chi quang”.

Tạm dịch:
“Đưa lên, đảo xuống, sẽ đứng trên các bậc anh tài,
Cuối bảng, chí bền, sẽ kề bên ánh sáng Đức Vua”.

Cái khẩu khí ấy đã nghiệm đúng sau hơn 30 năm sĩ hoạn của một con người luôn luôn học hỏi để từ một cử nhân cuối bảng trở thành một ông quan “Đình thi độc quyển” chấm thi Hội, thi Đình để chọn lấy các bậc tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn.

CÔNG LAO DƯỠNG DỤC VUN ĐẮP NHÂN TÀI

Cũng phải nói rằng nếu chỉ có truyền thống hiếu học của quê hương đã tạo nên nhân tài thì không đủ. Sự dạy dỗ trong gia đình, dòng họ là hết sức quan trọng. Bởi lẽ trước tiên, không có một nhân tài nào mà không do công sinh đẻ và dạy dỗ của người mẹ từ khi mới lọt lòng.

Dưới những chuẩn mực giáo dục theo đạo ký làm người của người xưa, trên nền tảng Nho học thì sự giáo dục của gia đình lại càng là một nhân tố vô cùng quan trọng. Nhân tài xưa kia là kết quả của sự dạy dỗ trong gia đình của một người cha nghiêm nghị có khi còn khắc nghiệt đối với từng bước đi của con mình, là sự kết trái của tấm lòng bao dung thắm đượm tình mẫu tử của người mẹ dạy dỗ, vun đắp từ khi đứa con mình còn đang ẵm ngửa đến khi bước vào đời, vào con đường danh vọng và ngay cả lúc đã xênh xang áo mũ.

Nhân tài Phạm Thận Duật cũng vậy, ông cũng được hưởng một nền giáo dục gia phong, tôn tộc mà công lao dạy dỗ lại chính là người mẹ quanh năm đòn gánh trên vai đi khắp các chợ miền quê.

Trong Vọng Sơn niên phổ như đã nói ở trên có đoạn: “… Ông làm quan đến đây đã hơn 14 năm mà sự ăn ở của bản thân không khác lúc còn đi học. Cụ bà ở nhà vẫn buôn gánh hàng xén, đến sau mới có chút lương gửi về phụng dưỡng”. Cụ bà bảo ông: “Làm con mà có ăn ngon mặc tốt để phụng dưỡng cha mẹ thì thực là đáng quý. Nhưng làm cho dân nghèo đi để nhà mình giàu thì ta ghét lắm”. Có lần về quê thăm mẹ, sau những ngày mệt mỏi và đau yếu vì việc công, ông ở lại lâu như muốn lưu lại với mẹ già, không nỡ lòng xa mẹ, thì bà mẹ bảo: “Những điều dạy bảo của cha ngày trước là chữ trung và chữ hiếu. Trung với nước, tức là hiếu với nhà. Cứ quyến luyến với gia đình cũng không phải là hiếu đâu”. Ông nghiêm chỉnh nghe lời mẹ dạy, ra đi việc nước.

Sự dạy dỗ của bà mẹ về lòng liêm khiết, bằng chính gương lao động cần cù của bà ngay cả khi ông đã làm quan, đã giúp cho Phạm Thận Duật tăng thêm nhân cách cao đẹp của một vị quan thanh liêm. Cả cuộc đời ông vì nước vì dân, đến nỗi thường băn khoăn chưa nuôi nổi mẹ già. Và điều đó hình như ông đã có lần tâm sự với người học trò yêu của mình là chí sĩ Nguyễn Cao. Đến khi bà cụ mất, Nguyễn Cao có đôi câu đối viếng thân mẫu của thày mình, tạm dịch:

“Thầy tôi vẫn than phiền: Vất vả suốt đời chưa nuôi nổi mẹ.
Cụ cố nay lại mất: Nhìn dặm xa cách, nói sao hết tình”.

Xét về một khía cạnh nào đó, người mẹ, người cha trong nền giáo dục của ông cha ta chính lại là người thầy lớn trong suốt cuộc đời của người con, dù người con đó là một bậc hiền tài của đất nước. Sự dạy dỗ nghiêm khắc trong gia đình, trong dòng họ dựa vào truyền thống gia tộc để hiểu đạo lý làm người, đạo lý làm con, làm anh em, vợ chồng, làm trò, làm cha, làm quan phụ mẫu là cái cốt yếu, là nền tảng dựng nên nhân cách cao đẹp của con người, đưa con người lên tầm cao trong mối quan hệ sống và làm việc ở đời.

KHÍ THIÊNG SÔNG NÚI QUÊ TÔI

Trở lại vấn đề truyền thống hiếu học, có thể nói rằng mảnh đất quê hương nhiều đền chùa, miếu mạo, thờ cúng các bậc tiên nho, nhiều bia đá đầy chữ nghĩa thánh hiền và cũng nhiều sự chăm sóc đến dòng giống gia tộc nối chí cha ông đã hun đúc nên truyền thống hiếu học, nhắc nhở những người con đi theo sự nghiệp học hành, tu thân hành đạo mà Phạm Thận Duật là một tấm gương tiêu biểu ở quê tôi trong thế kỷ thứ XIX.
Ngày nay, dòng họ Đại Phạm cũng như các dòng họ khác ở quê tôi trải qua biết bao đổi thay của lịch sử đã ra đi sinh sống khắp nơi trong nước và ở cả nước ngoài. Song truyền thống hiếu học, khí thiêng sông núi của đất này cũng đã ban cho biết bao nhiêu nhà khoa bảng hiện đại. Các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ quê tôi ở khắp trong nước và ngoài nước. Còn các vị cử nhân, kỹ sư, các nhà giáo, những người có bằng đại học ở quê tôi có rất nhiều mà đến nay chưa thống kê hết được. Họ đang đem hết sức mình đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà. Nhà gi¸o, nhµ thơ Phạm Cúc chuyên viết về thiếu nhi cũng là một con cháu họ Phạm. Ông đã có nhiều tập thơ được in trong thời gian gần đây, cũng là một con người được thừa hưởng truyền thống hiếu học của quê hương.

Ở nước ngoài, con cháu họ Phạm đất Yên Mô không quên nghĩ về quê hương, về cội nguồn mà người tiêu biểu là họa sĩ nổi tiếng Phạm Tăng, người cháu năm đời của Phạm Thận Duật. Ông được giải nhất hội họa của tổ chức UNESCO (tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp quốc) ngay tại đất thánh của hội họa là La Mã với bức tranh “Vũ trụ”. Ông còn là một nhà thơ tài danh mà Nhà xuất bản Văn học vừa cho in tập thơ mang tên ông, một tập thơ có thể nói là tập thơ “Hướng về quê hương, hướng về cội nguồn” với những câu nghe da diết:

Có ai còn nhớ Yên Mô
Sông Càn, núi Bảng đến giờ còn không?

Khí thiêng sông núi quê tôi đã hun đúc nên truyền thống hiếu học và truyền thống hiếu học đã góp phần hun đúc rèn luyện nhân tài.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta đã qua biết bao triều đại của hơn bốn mươi thế kỷ. Nhưng bất kỳ ở thời đại nào đất nước ta cũng sản sinh những vị anh hùng, những bậc hiền tài. Những bậc hiền tài ấy là do từ những bà mẹ anh hùng sinh ra ở những mảnh đất có khí thiêng, có truyền thống.

Những danh nhân của đất nước ta bao giờ cũng được sự hun đúc bởi truyền thống quê hương, truyền thống hiếu học, bởi sự chăm lo dạy dỗ của những người làm cha mẹ trong gia đình, của những bậc ông bà chú bác trong dòng họ. Phạm Thận Duật, một người con lỗi lạc của dòng họ Phạm đất Yên Mô cũng không thoát ra khỏi nguyên lý ấy. Ông đã trở thành một nhà văn hóa với nhiều tác phẩm để lại cho đời sau, trở thành một Cố mệnh đại thần, một sĩ phu yêu nước. Cuối cùng ông còn là một nghĩa sĩ, người đã cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương, khởi dậy phong trào Cần vương khắp Trung Nam Bắc để rồi gửi tấm thân mình nơi biển cả trên đường bị thực dân Pháp đưa đi đày từ Côn Đảo tới đảo Tahiti.

Đã đến lúc cần phải dóng lên hồi chuông kêu gọi những con cháu lớp trẻ hãy nhìn lại cội nguồn, nhìn lại lịch sử, học những cái hay, cái đẹp của người xưa, giữ lấy những cốt cách, những truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước ông cha ta, của dòng họ để làm nên sự nghiệp. Bởi vì sự nghiệp của đất nước cũng là tập hợp sự nghiệp của con người, của nhân dân, của những dòng họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

free counters